Phát triển Rối nước - Tự hào văn hóa Việt

Là một loại hình văn hóa truyền thống gắn bó lâu đời với người dân Việt Nam, đặc biệt là ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, múa rối nước đã ra đời chừng hơn 10 thế kỷ trước ở vùng châu thổ sông Hồng. Cho đến nay, với những đặc sắc về nghệ thuật và giá trị của mình, múa rối nước được coi là một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc đáng tự hào của dân tộc Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, đóng góp vào nền tảng phát triển công nghiệp văn hoá của đất nước.

Từ khi được khởi sinh vào thời nhà Lý, cho đến nay dẫu trải qua bao thăng trầm cùng những biến đổi nhưng ở nhiều miền quê vùng đồng bằng Bắc Bộ vẫn còn những người con miệt mài gìn giữ và phát huy rối nước - một di sản văn hoá đáng tự hào.

Dù ở sân khấu lớn hay nhỏ, dù phần lớn thời gian biểu diễn là sau bức màn tre, chỉ được gặp gỡ khán giả vài phút hiếm hoi khi kết thúc thế nhưng với những người nghệ sĩ đã dành nhiều năm gắn bó cùng rối nước thì được đứng dưới thuỷ đình, được hoà mình vào không khí của nhạc, của nước, của các con rối, chính là một niềm hạnh phúc và cũng là động lực để họ cống hiến hết mình cho nghệ thuật.

Với những giá trị riêng biệt của mình, rối nước đang dần vươn mình, từ các thuỷ đình nép mình trong các làng quê bình yên, đến gần hơn với công chúng không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Các đêm diễn luôn chật kín chỗ ngồi, các lượt khách đến từ khắp năm châu đã và vẫn đang chứng minh sức hút của rối nước trong bối cảnh ngày nay

Được coi là một trong những di sản văn hoá phi vật thể đặc trưng nhất, múa rối nước chứa đựng đầy đủ các yếu tố để trở thành một bản sắc đáng tự hào của đất nước. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy múa rối nước trong dòng chảy đương đại cũng chính là khẳng định hồn cốt văn hoá của dân tộc Việt Nam trên hành trình phát triển công nghiệp văn hoá.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Linh Chi -

Sỹ Cường