Phát triển nhà ở TPHCM cần giải pháp đồng bộ, hiệu quả

Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án nhà ở xã hội, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp, điều này được nhấn mạnh hội nghị sơ kết công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2020, do UBND TPHCM vừa tổ chức.

Giai đoạn 2016-2020, lượng nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM tăng thấp, với 1,23 triệu m2 sàn tức hơn 14.000 căn. Toàn thành phố có 19 dự án nhà ở xã hội xây dựng hoàn tất, đưa vào sử dụng, đạt 69,2% chỉ tiêu đề ra. 9 tháng đầu năm 2022, thành phố cũng chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội đưa vào sử dụng, cung ứng 260 căn hộ. Dự kiến đến năm 2025 sẽ có thêm 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Nguồn vốn nhà nước xây dựng nhà ở xã hội sử dụng trong giai đoạn 2016-2020 cũng rất thấp.
Nguyên nhân khiến tiến độ phát triển nhà ở xã hội chậm là do vướng mắc về pháp lý: thủ tục đầu tư nhiều hơn, phức tạp hơn loại hình nhà ở thương mại, dẫn đến thời gian kéo dài; và không có nhiều nhà đầu tư tham gia vào loại hình này.

Giai đoạn 2021-2025, TP.HCM đặt mục tiêu phát triển 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 35.000 căn nhà; giai đoạn tiếp theo 2026-2030, phát triển 4,08 triệu m2, tương ứng khoảng 58.000 căn nhà.

Để tăng sức hút đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, yếu tố quan trong là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn thuận lợi.

Sở Xây dựng TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp gỡ khó cho xây dựng phân khúc nhà ở xã hội, như phát triển nhà ở đồng bộ với phát triển hạ tầng cơ sở, đặc biệt hạ tầng giao thông và xã hội; chuyển đổi dần mô hình nhà ở thấp tầng sang nhà ở cao tầng; tăng cường cải cách thủ tục hành chính-tiết giảm về thủ tục đầu tư, xây dựng.

Phạm Quyền