Lãnh đạo nhiều nước lên án mạnh mẽ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine

Căng thẳng giữa Ukraine và Nga vốn đã dai dẳng trong suốt nhiều tháng qua. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phê chuẩn chiến dịch quân sự đặc biệt đến miền Đông Ukraine là bước đi đầy bất ngờ từ phía Nga đã đẩy căng thẳng leo thang.

Đâu là lí do khiến cho Nga đưa ra quyết định như vậy? Những bước đi sắp tới của các bên sẽ có những ảnh hưởng rao sao? Chúng ta sẽ cùng bàn luận về vấn đề này với vị khách mời là: GS.TS Phạm Quang Minh, chuyên gia các vấn đề quốc tế.

Động thái mới nhất của Nga đã khiến cho hàng loạt quốc gia và các tổ chức quốc tế đưa ra những phản ứng mạnh mẽ.

Thủ tướng Nhật Bản FUMIO KISHIDA: "Chúng tôi lên án mạnh mẽ Nga và sẽ hợp tác với Mỹ và cộng đồng quốc tế để phản ứng nhanh chóng."

Ông CHOI YOUNG-SAM, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc: “Nếu Nga tiến hành một cuộc chiến toàn diện dưới bất kỳ hình thức nào, bất chấp những cảnh báo lặp đi lặp lại từ cộng đồng quốc tế, chính phủ của chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia vào các biện pháp trừng phạt như kiểm soát xuất khẩu sang Nga.”

Bà Hoa Xuân Oánh, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc: "Trong hoàn cảnh hiện tại, cánh cửa để giải quyết hòa bình vấn đề Ukraine không hoàn toàn đóng lại. Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có thể giữ thái độ tỉnh táo và hợp lý, đồng thời cam kết thực hiện một giải pháp hòa bình thông qua đàm phán phù hợp với các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc"

Tổng thư ký Liên hợp quốc ANTONIO GUTERRES: "Mục đích của cuộc họp Hội đồng An ninh này là để kêu gọi Tổng thống Putin ngăn chặn quân đội tấn công Ukraine. Trong hoàn cảnh hiện tại, tôi phải thay đổi lời kêu gọi của mình. 'Tổng thống Putin, Nhân danh loài người, hãy đưa quân đội của ông trở lại Nga.”

Bà URSULA VON DER LEYEN, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu: "Trong những giờ phút đen tối này, suy nghĩ của chúng tôi hướng về Ukraine cùng những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em vô tội khi họ phải đối mặt với một cuộc tấn công vô cớ và sống trong nỗi sợ hãi.”

Tổng thống Mỹ Joe Biden viết trên trang Twetter cá nhân: “Tổng thống Putin đã lựa chọn một cuộc chiến được tính toán trước sẽ mang lại thiệt hại thảm khốc về người và của. Một mình Nga phải chịu trách nhiệm về cái chết và sự tàn phá mà cuộc tấn công này sẽ mang lại, và Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của họ sẽ đáp trả một cách thống nhất và dứt khoát. Thế giới sẽ buộc Nga phải chịu trách nhiệm". 

Có một điều chắc chắn rằng, giữa xung đột, leo thang căng thẳng quân sự, người chịu tổn thương nhất vẫn chính là những người dân vô tội. Mong mỏi lớn nhất của người dân vùng bị ảnh hưởng lúc này chính là sự bình yên.

 Người dân Donetsk: "Tôi phản đối chiến tranh. Tôi muốn mọi người ở Ukraine được sống và an toàn, ở đây và cả ở Nga. Tôi yêu cả hai quốc gia nên đối với tôi điều đó thật đau đớn”. 

Người dân Donetsk: "Tôi đã ở đây nhiều năm, vì vậy chẳng có điều gì làm tôi sợ hãi được nữa. Nhưng tôi lo sợ cho những đứa trẻ, tôi có cháu gái và có chắt nội. Con trai tôi đã chết trong cuộc chiến này."…

 Người dân Ukraine: "Chúng tôi sẽ làm mọi cách để gia đình của chúng tôi được ở bên nhau ngay bây giờ. Đây là thời điểm không an toàn ở Ukraine. Nhưng tôi tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng”.

Người dân Ukraine: "Tôi hy vọng mọi việc có thể được giải quyết thông qua con đường ngoại giao và đàm phán. Tôi không biết tương lai sẽ ra sao, nhưng không ai muốn một cuộc chiến. Vì vậy, ngoại giao là hy vọng của chúng tôi, và hãy xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo."

Người dân Ukraine: "Chúng tôi hy vọng sẽ tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. Dù thế nào đi nữa, ngoại giao và một cách thức hòa bình vẫn tốt hơn nhiều so với chiến tranh."

Liên quan đến phản ứng của Việt Nam về diễn biến tình hình ở Ukraine hiện nay và công tác bảo hộ công dân Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam quan tâm theo dõi những diễn biến căng thẳng gần đây xung quanh tình hình Ukraine và kêu gọi các bên kiềm chế, tăng cường nỗ lực đối thoại, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết hòa bình các bất đồng trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên toàn thế giới.

Về bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine trong những ngày qua đã thường xuyên liên hệ, chủ động trao đổi với cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine để nắm tình hình bà con, đồng thời tích cực xây dựng các kế hoạch để sẵn sàng tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết. Đại sứ quán đã cử cán bộ trực đường dây nóng bảo hộ công dân 24/24, sẵn sàng tiếp nhận thông tin. Theo Đại sứ quán, hiện có khoảng 100 công dân đang sinh sống trong khu vực Donetsk và Lugansk. Tình hình bà con hiện nay cơ bản ổn định. 

Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine trao đổi, đề nghị các cơ quan chức năng sở tại có biện pháp hỗ trợ, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho công dân và doanh nghiệp Việt Nam tại Ukraine. Trong trường hợp cần trợ giúp hoặc có thông tin về người Việt Nam gặp khó khăn, đề nghị liên hệ với đường dây nóng Bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine theo số + 380 (63) 863 8999 hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao theo số +84-981-848-484./.

Bùi Thảo