OCOP tạo không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn

Sáng 09/09, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm- OCOP” và chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, chương trình OCOP và phát triển du lịch nông thôn sẽ thúc đẩy xây dựng nông thôn mới thực chất hơn và quan trọng là tạo ra giá trị cộng đồng.

“Mỗi xã một sản phẩm” tiếp tục được xác định là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Sau hơn 4 năm triển khai, đến nay, cả nước có gần 8.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; hơn 4.300 chủ thể OCOP với đa dạng loại hình HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh. Dù vậy, với nhiều địa phương, triển khai OCOP còn gặp một số khó khăn trong sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu. Đơn cử như tại Sơn La, dù có nhiều sản phẩm được công nhận OCOP nhưng vẫn còn để duy trì và phát triển đúng với tiềm năng vẫn chưa được như mong đợi.

Ông NGUYỄN THÀNH CÔNG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: "Từ đầu đến giây 58“Hiện nay các tỉnh Tây Bắc hay các tỉnh lớn đều có hạn chế như quy mô sản phẩm OCOP vì nhiều sản phẩm mamg tính thời vụ, chưa nhân rộng. Thứ hai là nguồn lực đầu tư, doanh nghiệp, HTX thiếu về nguồn lực đầu tư, chưa nghiên cứu thị trường. Thứ ba là nhận thức từ cấp uỷ đến người dân. Một số cán bộ xã còn chưa biết OCOP là gì thì không thể làm ra sản phẩm OCOP.”

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung triển khai một cách linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương và du lịch nông thôn. Đặc biệt, Bộ chú trọng kết nối và mang lại giá trị cho cộng đồng.

Ông LÊ MINH HOAN, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Bộ sẽ chú trọng tính cộng đồng tạo ra sản phẩm chứ không chỉ nhìn vào 1 sản phẩm. Mục tiêu là xây dựng nông thôn mới, mà nông thôn mới là của cộng đồng chứ không của riêng ai. Mỗi người tham gia sẽ đoàn kết và hợp tác với nhau hơn. Ví dụ bán kẹo lạc có trà trong đó và ngược lại, tức là sẽ tạo ra giá trị cộng đồng và không cạnh tranh nhau.”

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ đề nghị các địa phương sắp xếp, tổ chức triển khai Chương trình OCOP và phát triển du lịch nông thôn tinh gọn, gắn kết chặt chẽ với tổ chức triển khai xây dựng nông thôn mới. Bố trí nguồn lực cần thiết từ ngân sách địa phương, lồng ghép các nguồn vốn để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, mục tiêu là tạo ra sản phẩm mang tính đặc trưng và giá trị kinh tế cao.

Việt Hà