• 1394 lượt xem
  • 21:22 02/07/2022
  • Kinh tế

Nông nghiệp Việt Nam: Chuyển đổi số giúp nông nghiệp bắt kịp xu thế thời đại

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng ấn tượng; Chuyển đổi số giúp nông nghiệp bắt kịp xu thế thời đại; Điện mặt trời - nguồn năng lượng xanh từ thiên nhiên ... là những tin tức đáng chú trong chương trình nông nghiệp Việt Nam ngày 2/7/2022.

XUẤT KHẨU NÔNG LÂM THỦY SẢN TĂNG ẤN TƯỢNG

Thông tin tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nửa đầu năm nay, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng ấn tượng. Nội dung này sẽ mở đầu cho những tin tức nông nghiệp đáng chú ý trong tuần. 

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm, trong số các mặt hàng xuất khẩu, thủy sản là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất với mức tăng 40,8%, đạt 5,8 tỉ USD. Còn lâm nghiệp là ngành đóng góp lớn nhất khi đạt kim ngạch 9,1 tỉ USD. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tỉ đô là cà phê, caosu, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, hồ tiêu. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là các thị trường  nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Từ nay đến cuối năm, tình hình xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ gặp nhiều khó khăn, song Bộ vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 55 tỉ USD, cao hơn mục tiêu Chính phủ giao.

HÀNG LOẠT TRÁI CÂY SẮP ĐƯỢC XUẤT KHẨU CHÍNH NGẠCH

Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, dự kiến cuối năm nay, một số loại nông sản như nhãn, bưởi, sầu riêng, dừa... sẽ chính ngạch xuất sang các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đối với thị trường Nhật Bản, hai bên thống nhất phần kỹ thuật, cuối tháng 7 sẽ hoàn thiện dự thảo xuất khẩu với quả nhãn của Việt Nam. Với thị trường Mỹ, đã hoàn tất các khâu kỹ thuật đối với quả bưởi và chỉ còn thống nhất liều lượng chiếu xạ. Tại thị trường Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật đã hoàn thiện các dự thảo nghị định thư với sầu riêng; còn chanh leo, Trung Quốc đang đề nghị nhập khẩu theo hình thức tạm thời giống như quả ớt bắt đầu từ tháng 7.

TRUNG QUỐC THÍ ĐIỂM NHẬP KHẨU NÔNG SẢN TẠI LÀO CAI

Mới đây, các lực lượng quản lý biên giới phía Trung Quốc đã thí điểm nhập khẩu 3 mặt hàng thanh long, vải thiều và xoài của nước ta qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai). Trước đó, do chính sách quản lý nghiêm ngặt để phòng chống dịch Covid-19 từ phía Trung Quốc, từ ngày 17/2/2022 đến hết tháng 6/2022, các mặt hàng nông sản đã phải tạm dừng thông quan qua Cửa khẩu này. Sau nhiều cuộc hội đàm, phía Trung Quốc đã thí điểm nhập khẩu trở lại. Ban Quản lý cửa khẩu Lào Cai khuyến cáo: các doanh nghiệp Việt Nam cần trao đổi, thỏa thuận với đối tác Trung Quốc về quá trình giao nhận hàng, khi doanh nghiệp nước bạn đã làm thủ tục đăng ký, báo quan và được hải quan Trung Quốc chấp thuận thì mới vận chuyển lên cửa khẩu.

NGÀNH ĐIỀU KIẾN NGHỊ GIẢM CHỈ TIÊU KIM NGẠCH XUẤT KHẨU

Theo nhận định của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), tình hình xuất khẩu năm nay sẽ tiếp tục gặp khó, giá cước tàu biển vẫn còn ở mức cao, giá nhân điều xuất khẩu tăng không đồng bộ với giá điều thô nhập khẩu, các nhà máy trong nước không cân đối được giá thành, rủi ro thua lỗ rất cao. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường chính đang giảm sút vì người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Vinacas sẽ đề nghị điều chỉnh giảm mức chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu điều nhân năm nay ở mức khiêm tốn là 3,2 tỉ USD, giảm 400 triệu USD so với năm trước.

LÚA MA BÙNG PHÁT Ở HÀ NAM

Sau 5 đến 6 tháng gieo sạ, chăm sóc, nhiều thửa ruộng của nông dân huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam hầu như không cho thu hoạch. Theo người dân địa phương, hiện có ba loại lúa ma xuất hiện trên cánh đồng gồm: Loại cây cao, hạt thóc râu dài; loại cây thấp, hạt thóc có râu và loại cây lùn, hạt thóc không râu. Lúa ma xuất hiện ở huyện Thanh Liêm 3 năm nay, tới vụ chiêm này bùng phát mạnh, diện tích bị ảnh hưởng khoảng 100 ha, trong đó 12,7 ha không thể thu hoạch. Việc diệt trừ rất khó khăn do chưa có loại thuốc diệt cỏ đặc trị. Để ngăn chặn, vụ sắp tới, huyện Thanh Liêm sẽ ngừng gieo sạ, trở về với cấy máy hoặc cấy tay.

GIÁ GẠO THẾ GIỚI GIẢM TRONG TUẦN QUA

Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ tuần này giao dịch ở mức 355-360 USD/tấn, giảm so với mức 357-362 USD của tuần trước. Hiện nay, nhu cầu đối với gạo Ấn Độ đang rất cao do giá cả cạnh tranh hơn các nước xuất khẩu gạo khác.

Trong khi đó, tại Bangladesh, lũ lụt đã làm thiệt hại 75.000 ha trồng lúa. Quốc gia từng một trong những nước sản xuất gạo lớn trên thế giới này đang phải dựa vào nhập khẩu gạo Ấn Độ để đối phó với tình trạng thiếu hụt lương thực do thiên tai gây ra. 

Về phía Thái Lan, giá gạo 5% tấm của nước này giảm xuống 420-425 USD/tấn từ mức 430-440 USD/tấn trong tuần do đồng baht suy yếu. Đồng baht hiện đang giao dịch gần mức thấp nhất trong 5 năm rưỡi so với đồng USD.

CHỈNH SỬA GEN THỰC VẬT NHẰM THU GIỮ NHIỀU CARBON HƠN

Thực vật vốn là những nhà máy thu giữ carbon tự nhiên, và một chương trình nghiên cứu mới nhằm mục đích làm cho chúng trở nên tốt hơn nữa, bằng cách sử dụng công cụ chỉnh sửa gen (CRISPR). Nghiên cứu này là một phần trong nỗ lực của các nhà khoa học, để tìm cách hấp thu khí nhiều hơn carbon dioxide trong khí quyển nhằm làm chậm đà gia tăng của biến đổi khí hậu. Theo các chuyên gia, việc nâng cao khả năng hấp thụ carbon dioxide tự nhiên của thực vật, nếu được thực hiện ở quy mô đủ lớn, có thể giúp đẩy nền nhiệt độ đỉnh cao xuống trong một thế giới đang ngày một nóng lên.

ITALIA HỨNG CHỊU HẠN HÁN KỶ LỤC

Trải dài từ dãy Alps ở phía tây bắc tới biển Adriatic ở bờ biển phía đông, sông Po là nguồn nước quan trọng của một số khu vực. Con sông cung cấp nước uống, nước tưới tiêu cho vùng nông nghiệp và thủy điện khắp miền bắc Italy. Hiện nay, nước ở thung lũng Po hạ thấp chưa từng thấy do hạn hán kéo dài và thiếu tuyết tan chảy trên các dãy núi đổ vào dòng sông. Thung lũng Po là vùng nông nghiệp quan trọng nhất cả nước do sản xuất khoảng 40% lương thực của Italy bao gồm lúa mỳ, gạo và cà chua. Với hạn hán kéo dài, các nông dân đang chật vật tìm nước tưới tiêu mùa màng. Hiệp hội nông nghiệp Italy Coldiretti cho hay thiệt hại kinh tế do hạn hán gây ra đối với nước này cho đến nay đã lên tới hơn 3 tỉ euro (3,2 tỉ USD).

CHUYỂN ĐỔI SỐ GIÚP NÔNG NGHIỆP BẮT KỊP XU THẾ THỜI ĐẠI

Hiện nay, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Việc này mang lại nhiều lợi ích, nhất là tăng cường năng lực quản lý về an toàn thực phẩm, minh bạch thông tin sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa... 

Phần tiêu điểm hôm nay, chúng tôi sẽ đề cập tới bước chuyển đổi số quan trọng trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Và một trong những chuyển đổi, áp dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp đó là truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Nông sản gắn tem và được cấp mã số vùng trồng sẽ giúp minh bạch nguồn gốc qua sự giám sát của các cơ quan quản lý, là chìa khóa để nâng tầm nông sản, cả về chất lượng và giá trị xuất khẩu. 

Mời quý vị theo dõi ghi nhận của phóng viên tại tỉnh Sơn La - địa phương có vựa trái cây lớn nhất miền Bắc.

CẤP MÃ SỐ VÙNG TRỒNG GIÚP NÂNG TẦM NÔNG SẢN SƠN LA 

Vườn thanh long ruột đỏ của Hợp tác xã Quỳnh Thuận, huyện Thuận Châu với gần 13ha đã được cấp mã số vùng trồng từ năm 2020. Canh tác theo đúng tiêu chuẩn VietGap nên sản lượng, chất lượng quả luôn đảm bảo tiêu chí xuất khẩu. Năm qua vườn thanh long này đã cho thu hoạch gần 200 tấn quả; phần lớn xuất khẩu sang thị trường Nga và tiêu thụ thuận lợi. 

Bà LÒ THỊ DƯNG, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quỳnh Thuận, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La: “Sau khi được cấp mã số vùng trồng, việc xuất khẩu hoa quả của chúng tôi dễ dàng hơn, được các hợp tác xã làm chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm”.

Huyện Sông Mã - vùng trồng nhãn trọng điểm của tỉnh Sơn La, với diện tích đạt khoảng 7.500ha - cho sản lượng khoảng 70 nghìn tấn quả. Huyện đã được cấp 41 mã số vùng trồng cho các sản phẩm nông sản để phục vụ xuất khẩu. 

Ông NGUYỄN VĂN PHƯƠNG, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La: “Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với Cục bảo vệ thực vật Bộ NN&PTNT tiếp tục rà soát, bổ sung thêm 1 số diện tích đủ điều kiện ở những vùng có quy trình sản xuất và điều kiện đảm bảo về mã số vùng trồng để đẩy mạnh hơn nữa công tác cấp mã vùng trồng, để phục vụ sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu”.

Sơn La được coi là vựa trái cây lớn nhất miền Bắc với khoảng 83.000ha, sản lượng hàng năm trên 4.500 tấn quả với các sản phẩm trái cây phong phú. Hiện toàn tỉnh có 241 mã số vùng trồng với diện tích trên 3.800 ha các loại cây ăn quả phục vụ xuất khẩu. 

Ông NGUYỄN THÀNH CÔNG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La:Chắc chắn là mỗi thị trường nhập khẩu đều có yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, sản phẩm hàng hóa khác nhau. Để đáp ứng được yêu cầu của các nhà nhập khẩu, tỉnh Sơn La phải tập trung đẩy mạnh khâu sản xuất, đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu - sản xuất sạch, các quy trình sản xuất VietGAP, rồi thực hiện cấp mã số vùng trồng, rất quan trọng. Nếu không cấp mã số vùng trồng thì chúng ta không thể khẳng định được thương hiệu sản phẩm, nhãn hiệu sản phẩm để chúng ta thực hiện việc xuất khẩu nông sản”.

Bằng các chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp, cùng với việc cấp mã số vùng trồng, sản phẩm nông sản của Sơn La ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước. Giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu của địa phương này trong năm vừa qua đạt trên 161 triệu USD, trong đó có trên 150 triệu USD là từ hàng hóa nông sản.

SỐ HÓA TRONG NÔNG NGHIỆP, THAY ĐỔI TƯ DUY NÔNG DÂN

Còn tại Cần Thơ, xác định chuyển đổi số là một trụ cột thực hiện phát triển nông nghiệp nhanh và bền vững, là một trong các khâu đột phá góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, thành phố này đã triển khai nhiều hoạt động số hóa ngành nông nghiệp, góp phần thay đổi tư duy của nông dân. 

Đây là mô hình tưới phun mưa tự động trên rau ăn lá của bà Nguyễn Thị Cẩm Thu tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Mô hình này đã mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập kinh tế cho nông hộ, khắc phục được ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.

Bà NGUYỄN THỊ CẨM THU, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ: “Trồng rau lâu rồi từ năm 2000, mới chuyển đổi từ năm 2019 tới giờ, tưới phun vậy thì nó khỏe hơn, tưới máy thì cực hơn, ngắn thời gian thì mình làm được nhiều hơn lúc trước.”

Với bước tiến công nghệ thông tin, việc đưa nông sản truy xuất nguồn gốc gắn với tiêu thụ được quan tâm, áp dụng phần mềm quản lý thông tin khách hàng và các nông hộ sản xuất, được nhiều doanh nghiệp tại thành phố Cần Thơ áp dụng.

Bà NGUYỄN THỊ KIM THOA, Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Abavina, thành phố Cần Thơ: “Mình ứng dụng vào trong sản xuất, thông tin về lịch mùa vụ.. Mình muốn ứng dụng để kết nối các thông tin mình đang có lại để xuất ra cho người tiêu dùng, để họ biết là độ minh bạch của mình.”

Thành phố Cần Thơ hiện có 105.000 hộ có hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản, 46 hợp tác xã, 67 doanh nghiệp nông nghiệp. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ còn nhỏ lẻ, chưa có quy mô lớn. Vấn đề đặt ra là giải pháp để số hóa nông nghiệp tương xứng với tiềm năng của Trung tâm ĐBSCL.

Ông NGÔ ANH TÍN, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, thành phố Cần Thơ: “Chúng tôi tổ chức cho các HTX để nâng cao trình độ chuyên môn. Thứ 2, vốn hiện nay đối với hộ nông dân là rất khó khăn, kiến nghị Chính phủ xem xét, có chính sách hỗ trợ người nông dân vay vốn.

Thành phố Cần Thơ khởi công dự án trung tâm dữ liệu ĐBSCL giúp tích hợp dữ liệu đa ngành, phục vụ phân tích và hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững ngành nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số. Đây là cơ hội tiền đề để nông dân Cần Thơ quen dần với ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp hội nhập.

GIÁ TRỊ CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ TỚI NÔNG NGHIỆP

Việc cấp mã vùng trồng hay thay đổi phương thức sản xuất với sự tham gia của công nghệ hiện đại chỉ là số ít hoạt động ngành nông nghiệp áp dụng công nghệ và chuyển đổi số. Vậy thực tế triển khai chuyển đổi số nông nghiệp đang diễn ra như thế nào, những khó khăn và kết quả được được ra sao sẽ được thông tin cụ thể qua chia sẻ của khách mời là Cục trưởng Cục Trồng trọt – ông NGUYỄN NHƯ CƯỜNG trong phần trao đổi sau đây. Mời quý vị theo dõi!

HỖ TRỢ NÔNG DÂN TIẾP CẬN SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Có thể thấy bước chuyển đổi tích cực trong sản xuất nông nghiệp, không chỉ ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chuyển đổi số còn được thực hiện qua việc tìm kiếm và thay đổi kênh tiêu thụ sản phẩm. Mời quý vị theo dõi ghi nhận tại Đắk Nông, người dân tập đưa nông sản của mình lên sàn thương mại điện tử. Đây là nỗ lực lớn vừa để người dân chủ động tìm đầu ra, vừa để cải thiện các chỉ số về chuyển đổi số.  

Chọn hình ảnh, tóm tắt sản phẩm, giá cả.. được ông Đồng Xuân Liền ở xã Nam Bình, huyện Đắk Song liệt kê chi tiết, đầy đủ và đẩy lên sàn thương mại điện tử Postmart… Đây là kết quả của những buổi tập huấn do Bưu điện tỉnh Đắk Nông phối hợp với Hội nông tỉnh tổ chức hướng dẫn.

Ông ĐỒNG XUÂN LIỀN, Giám đốc HTX Bình Tiến, xã Nam Bình, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông: “Đưa được sản phẩm của HTX lên sàn thương mại điện tử tôi rất phấn khởi. Sau một thời gian ngắn đã có đơn hàng, tuy đơn chưa nhiều nhưng đã có chốt đơn hàng cho HTX thì phần này là phấn khởi nhất”.

Với bà Nguyễn Thị Ngọc Sen, những ngày gần đây có thêm 1 công việc mới là chăm chút gian hàng của mình trên sàn Postmart. Bỏ qua những bỡ ngỡ ban đầu về công nghệ, bà Sen vui mừng khi những sản phẩm đã lên sàn thành công, cơ hội tiếp cận khách hàng trên phạm vi rộng.

Bà NGUYỄN THỊ NGỌC SEN, Phường Nghĩa Đức, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông: “Tôi rất vui khi đưa được sản phẩm nông sản của mình ra ngoài tỉnh, ra ngoài nước, để sản phẩm của mình ngày một tăng lên. Giờ mới sản xuất được 1 tấn, mong sau này một chu kỳ sản xuất được 4-5 tấn thì thu nhập của mình mới tăng lên”.

Nằm trong chương trình thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông đã phối hợp Bưu điện tỉnh tổ chức tập huấn cho nông dân cách đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Đến nay đã có 38 sản phẩm của 28 hộ sản xuất được gắn mác thương hiệu trên sàn của ngành bưu điện.

Ông HỒ GẤM, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông: “Chúng tôi mong muốn tất cả sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử. Sản phẩm được đánh giá chất lượng, sản lượng lớn và có vị trí ở trong nền kinh tế. Dần dẫn các sản phẩm phải được đưa lên sàn để mua bán công khai, minh bạch".

Lên sàn thương mại điện tử, nông sản của nông dân Đắk Nông có cơ hội minh bạch thông tin sản phẩm, quảng bá, tăng cơ hội tiếp cận khách hàng tiềm năng, nhưng cũng đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng, mẫu mã. Người nông dân sẽ phải thay đổi phương thức sản xuất, chú trọng đến các yếu tố an toàn, nâng cao chất lượng, bảo quản và chế biến sau thu hoạch tốt hơn.

ĐƯA NÔNG SẢN ĐẾN GẦN VỚI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Không chỉ tại Đắk Nông, thực tế, việc thúc đẩy và phát triển các kênh thương mại điện tử sẽ góp phần giải quyết thị trường tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh covid vừa qua, việc tiêu thụ qua các kênh truyền thống như chợ, siêu thị gặp rất nhiều khó khăn. Phương thức mới đã cho thấy những cách làm tích cực và khả quan trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua và sự chuyển mình của công nghệ. 

Những buổi livestream đặc sản OCOP như thế này là một trong những hình thức góp phần kích cầu thương mại và tiếp thị sản phẩm theo hình thức online.

Bà NGUYỄN THỊ MAI, Giám đốc Công ty sản phẩm sữa nông trại Ba Vì, Hà Nội: “Livestream như thế để tiếp cận với hàng triệu người tiêu dùng, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm sạch và an toàn đến người tiêu dùng”. 

Cùng với đó, nhằm hỗ trợ nông dân kết nối với người mua hàng cả nước thông qua kênh thương mại điện tử, các sàn giao dịch đã đưa nhiều sản phẩm nông sản lên sàn và hỗ trợ, hướng dẫn người dân cách tổ chức.

Ông TRẦN TRUNG KIÊN, Giám đốc Công ty TNHH MTV TMĐT Bưu chính Viettel: "Hiện chúng tôi đã hỗ trợ nhà cung cấp ở trên 587 huyện trên cả nước và trong dịp vừa rồi chúng tôi tập trung hỗ trợ cho các tỉnh Sóc Trăng, Hải Dương, Bắc Giang, hướng dẫn cho bà con nông dân trực tiếp tại trên địa bàn của mình với cách thức tổ chức bán hàng online".

Có thể thấy các sàn thương mại điện tử, livestream… cũng đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới, hiện đại và hiệu quả trong tiêu thụ nông sản. Hơn thế, việc tham gia giao dịch điện tử còn giúp bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam hướng tới chủ động sử dụng công nghệ, từ đó góp phần nâng cao năng lực chuyển đổi số.

CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG TRỒNG TRỌT VÀ CHĂN NUÔI

Để triển khai chuyển đổi số hiệu quả, trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nhấn mạnh, “thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn” là một trong các giải pháp cốt lõi để thực hiện các nhiệm vụ của ngành. Hiện thực hoá nội dung này, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lựa chọn chăn nuôi và trồng trọt là hai lĩnh vực tiên phong về chuyển đổi số, đồng thời xác định đây là yêu cầu cấp thiết để phục vụ công tác quản lý chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi. Để triển khai, các đơn vị xây dựng thí điểm phần mềm làm công cụ thu thập, cập nhật, khai báo, hình thành cơ sở dữ liệu về thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi. 

Đến nay, phần mềm đã được triển khai thí điểm tại 7 tỉnh, thành và 269 nhà máy thức ăn chăn nuôi trên cả nước; cấp 600 tài khoản để cập nhật cơ sở dữ liệu đến các nhà máy, cán bộ chăn nuôi thú y cấp xã và các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn… Hệ thống cơ sở dữ liệu chăn nuôi sẽ là cơ sở quan trọng cho việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức phát triển chăn nuôi theo định hướng, tín hiệu, nhu cầu của thị trường; đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn thực phẩm.

Có thể thấy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang từng bước thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngành quản lý. Cụ thể việc triển khai như thế nào và định hướng phát triển tổng thể trong thời gian tới sẽ tiếp tục được chia sẻ qua cuộc phỏng vấn với ông NGUYỄN NHƯ CƯỜNG - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau đây.

ỨNG DỤNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NGÀNH NÔNG NGHIỆP THẾ GIỚI

Để phát triển bền vững trong tương lai, nông nghiệp cần bắt kịp xu hướng chuyển đổi số chứ không dừng lại ở canh tác, sản xuất, kinh doanh theo phương thức truyền thống đơn thuần. Không chỉ tại Việt Nam, nhiều quốc gia đã sớm nhận ra vai trò của chuyển đổi số trong nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất làm việc, lợi nhuận, tối ưu hóa sản xuất và đem lại cơ hội mở rộng cao hơn.

Tại Trung Quốc, trước đây, những người trồng đào sẽ phải rất vất vả để thụ phấn nhân tạo cho cây. Nhưng ngày nay, với sự hỗ trợ của máy bay không người lái, việc thụ phấn trở nên dễ dàng hơn trước rất nhiều và rút ngắn thời gian lao động.

Ông LÝ CHÂN, nông dân trồng đào, Trung Quốc: “Theo cách làm truyền thống, tôi mất đến 4 ngày để thụ phấn cho khoảng 4 hécta vườn đào. Nhưng với sự hỗ trợ của máy bay không người lái, tôi chỉ mất 1 giờ. Thêm vào đó, chỉ cần sử dụng những hạt phấn chất lượng cao, mùa vụ sẽ cho những trái cây có chất lượng tốt với chi phí sản xuất thấp hơn nhiều.”

Theo tiến sĩ La Thư Đông đến từ Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, thiết bị máy bay không người lái phun phấn hoa lên hoa rất đều, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đậu trái. Chúng có thể đậu ít nhất 80% trên mỗi hecta đất, cho thành quả khoảng nửa tấn trái cây. Ngoài ra, tại nhiều vùng miền khác ở Trung Quốc, người nông dân cũng ứng dụng máy bay không người lái để gieo hạt trồng lúa.

Tỉnh An Huy (Trung Quốc) là một trong những địa phương thực hiện tốt các công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp. Huyện đã đưa ra 113 chính sách hỗ trợ để thu hút hơn 40.000 lao động nhập cư, sinh viên tốt nghiệp đại học và quân nhân nghỉ hưu trở về quê khởi nghiệp, phát triển các nền tảng thương mại điện tử dành riêng cho nông sản địa phương. 

Ông MÃ TƯ, doanh nhân tỉnh An Huy, Trung Quốc: "Tôi trở về quê hương để khởi nghiệp. Hiện tôi đang thúc đẩy sự phát triển của ngành thương mại điện tử bằng cách xây dựng nền tảng thương mại điện tử tại địa phương, đào tạo nhân tài, nuôi dưỡng thương hiệu địa phương”. 

Còn tại Malaysia, quốc gia này đang ứng dụng chuyển đổi số để thúc đẩy ngành nông nghiệp sầu riêng. Theo đó, các công nghệ hiện đại như internet vạn vật và dữ liệu lớn big data, đang được ứng dụng, nhằm cải thiện năng suất cây trồng và chất lượng của trái sầu riêng. Các trang trại sầu riêng tại Malaysia đã được tích hợp các tính năng tự động hóa bón phân và tưới tiêu. Bên cạnh đó, người nông dân có thể dễ dàng điều khiển hệ thống này chỉ từ máy tính xách tay hoặc điện thoại di động.

Ông TAN HAN WEI, kỹ thuật viên Công ty Regaltech: "Công nghệ này thực sự đã giúp người nông dân tăng sản lượng và chất lượng của sầu riêng. Chúng tôi đang sử dụng cảm biến để đo chất dinh dưỡng, độ ẩm, độ PH và cả nhiệt độ của đất, từ đó tính ra được lượng nước và phân bón cần thiết cho cây trồng ở từng khu riêng biệt.”

Nhờ ứng dụng các công nghệ thông minh, năng suất tại các trang trại sầu riêng tại Malaysia đã được cải thiện đáng kể. Hiện nhiều nông dân đã mạnh dạn ứng dụng những công nghệ mới vào canh tác. 

Ông SAM LEONG, chủ trang trại sầu riêng: "Năng suất tại trang trại của chúng tôi đã tăng lên 30% trong khi các chi phí về nhân lực và công nghệ kỹ thuật số đã được cắt giảm đáng kể. Hình dạng và kích thước của những trái sầu riêng cũng đã trở nên cân đối hơn rất nhiều.”

Ngoài nông nghiệp, Alibaba Cloud cũng đang hợp tác với chính phủ và khu vực tư nhân của Malaysia nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có giao thông vận tải.

ĐIỆN MẶT TRỜI - NGUỒN NĂNG LƯỢNG XANH TỪ THIÊN NHIÊN

Với cường độ bức xạ mặt trời khá cao so với thế giới, trung bình khoảng 4,6 kWh/m2/ngày, số giờ nắng bình quân trong năm từ 2.500 - 3.000 giờ, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng mặt trời. Năm 2019, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Nhiều doanh nghiệp, trong đó có ngành nông nghiệp đã tiên phong hưởng ứng chương trình này nhằm góp phần bảo vệ môi trường, giảm chi phí điện. 

Đây là hệ thống điện mặt trời được đặt từ những mái trang trại bò sữa tại Nghệ An của Tập đoàn TH. Tiên phong hưởng ứng chương trình của Chính phủ và thực hiện chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, nhằm tiết kiệm sử dụng năng lượng hóa thạch, từ đây góp phần bảo vệ môi trường, cũng như tiết giảm chi phí sản xuất hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, năm 2020, Tập đoàn TH đã đầu tư phát triển điện mặt trời từ những mái nhà của cụm trang trại lớn nhất thế giới tại Nghệ An và đã hòa lưới điện quốc gia.

Anh LÊ VĂN HẠNH, kỹ thuật viên, Công ty CP phát triển đầu tư Năng lượng xanh, Tập đoàn TH: “Lợi thế đầu tiên đó là mặt bằng mái thì mình không phải thi công, nó có sẵn, rất nhiều, đó là lợi thế thứ nhất. Thứ 2, ở đây môi trường rất tốt để lắp đặt điện mặt trời. Khi chúng ta sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời, phần điện chúng ta sử dụng từ các nguồn năng lượng khác sẽ giảm xuống. Hiệu quả đầu tiên đó là chi phí sản xuất của các nhà máy sẽ giảm xuống khi không phải mua điện trực tiếp từ EVN. Các tấm năng lượng sẽ tạo ra điện và phát trực tiếp cho nhà máy dùng. Từ đó, chi phí mua điện sẽ giảm xuống cũng như giảm tác động tại lưới điện hiện nay.”

Đặc biệt, hệ thống điện mặt trời trên các mái nhà của trang trại TH còn vận hành như một lớp cản nhiệt cho những mái trang trại, tạo môi trường sống mát mẻ, khỏe mạnh cho đàn bò sữa gần 70.000 con, góp phần vào việc sản xuất dòng sữa chất lượng.

Ông PHẠM VINH SƠN, Giám đốc Bộ phận bảo trì, Công ty CP Sữa TH, Tập đoàn TH: “Vừa chuyển năng lượng từ mặt trời thành điện năng đồng thời cũng là một lớp hấp thu nhiệt để giảm tác động của môi trường đặc biệt trong khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam, miền Trung vào chuồng bò, tức là giảm tác động của môi trường vào chuồng nuôi.”

Nghệ An được biết đến là địa phương nóng nhất cả nước. Cũng bởi tác động từ nắng nóng, có những thời điểm lên tới trên 42 độ C, nhiều năm qua, không ít khu vực của địa phương này thường xuyên bị quá tải điện lưới do nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao. Vì vậy, hệ thống pin năng lượng mặt trời của TH là nhằm tạo ra nguồn điện "xanh" phục vụ cho nhu cầu sản xuất của Tập đoàn. Đến nay, tại Nghệ An, Tập đoàn TH có 9 dự án điện mặt trời áp mái với tổng quy mô công suất lắp đặt trên 9 MW.

Ông ARGYAL MANDAL, Tổng giám đốc Công ty CP sữa TH, Tập đoàn TH: “Tập đoàn TH đặc biệt chú trọng đến phát triển bền vững, các chương trình về phát triển bền vững đều được tổ chức có hệ thống rõ ràng, bài bản. Hàng năm, Tập đoàn TH đều xuất bản cuốn báo cáo về phát triển bền vững. Một số ví dụ điển hình về những hoạt động phát triển bền vững của TH cụ thể như sau: Tại nhà máy sữa, chúng tôi lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời - nguồn năng lượng tái tạo, và tại các trang trại của tập đoàn TH cũng đã được lắp đặt. Do đó, tập đoàn TH đã đầu tư vào sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.”

Theo tính toán từ phần mềm phân tích dữ liệu chuyên dụng, mỗi năm hệ thống điện mặt trời của TH có thể sản xuất khoảng 4.281 MW. Với lượng điện mặt trời tự sản xuất được, TH sẽ không phải sử dụng nguồn điện từ nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần giảm phát thải 2.100 tấn CO2.

SẤY NÔNG SẢN BẰNG NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI

Không chỉ tại Việt Nam, năng lượng mặt trời còn là nguồn năng lượng sạch được ứng dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Ấn Độ, một công ty công nghệ mới đây đã sáng chế ra máy sấy nông sản chạy bằng năng lượng mặt trời giúp người nông dân bảo quản và chế biến nông sản tốt hơn, từ đó giúp giảm tình trạng lãng phí thực phẩm.

Chứng kiến tình trạng hàng tấn nông sản do nông dân vất vả sản xuất ra bị vứt bỏ do hư hỏng trong quá trình thu hoạch hoặc vận chuyển, công ty công nghệ S4S đã phát triển thành công một hệ thống máy sấy thực phẩm vận hành bằng năng lượng mặt trời.

Bà NIDHI PANT, đồng sáng lập S4S Technologies: “Có hai vấn đề lớn. Vấn đề thứ nhất là có quá nhiều thứ bị lãng phí trên quãng đường từ nông trại đến điểm bán. Cùng lúc đó, người nông dân cũng thường không nhận được giá trị xứng đáng cho sản phẩm mà họ tạo ra. Những điều này khiến tôi thực sự quan tâm và đó cũng chính là lý do tôi bắt đầu với S4S. Đây là nơi sẽ tìm ra giải pháp để giảm thiểu vấn đề lãng phí thực phẩm, đồng thời mang lại thu nhập tốt hơn cho người nông dân.”

Đơn giản, gọn nhẹ và dễ sử dụng, chiếc máy sấy này có thể rút ngắn thời gian làm khô nông sản đến 10 lần, so với việc phơi dưới nắng như phương thức truyền thống. Tất cả những gì cần làm là trải đều số nông sản cần sấy lên một mặt phẳng, sau đó, đậy tấm chắn xuống để bảo vệ nông sản khỏi tác động từ bên ngoài. 

Gia đình bà Shobha Rathod có truyền thống trồng và thu hoạch gừng. Nếu như trước đây, một phần lớn số gừng thu hoạch được thường bị hỏng trước khi có thể đem bán, thì giờ đây, với công nghệ mới này, bà có thể yên tâm rằng 100% lượng gừng mà bà thu hoạch đến được tay khách hàng.  

Bà SHOBHA RATHOD, nông dân: “Những củ gừng nhỏ như thế này trước đây thường bị lãng phí, giờ đây, chúng tôi có thể cắt nhỏ chúng và sấy khô bằng máy sấy năng lượng mặt trời. Sau khi sấy khô, chúng tôi gửi sản phẩm đến S4S, chúng tôi có cơ hội bán được nhiều sản phẩm hơn và kiếm được nhiều tiền hơn. Công nghệ mới này thực sự đã thay đổi cuộc sống của chúng tôi. Tôi có đủ tiền để trả học phí cho các con và chăm lo cho gia đình.”

Không chỉ giúp đỡ người nông dân thay đổi thói quen chế biến và bảo quản nông sản, S4S còn đóng vai trò như một cánh tay kết nối nhà nông với thị trường. Hiện công ty đang làm việc với với 3.000 nông dân và hợp tác xã quy mô nhỏ tại 270 địa điểm trên khắp cả nước để thu mua và bán lại sản phẩm trực tiếp cho một số nhà sản xuất thực phẩm lớn nhất thế giới như Nestle và Unilever.

Hà Lan