• 2816 lượt xem
  • 14:17 18/10/2023
  • Văn hóa

Ninh Thuận: Bảo tồn nhạc cụ truyền thống của người Raglai

Huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận có 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào Raglai chiếm 87%. Xác định giá trị văn hóa truyền thống dân tộc có ý nghĩa quan trọng, thời gian qua, huyện miền núi Bác Ái đã có nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai, đặc biệt là các nhạc cụ dân tộc, trong đó có cây đàn Chapi.

Nghệ nhân Mai Thắm là một trong những người lớn tuổi tại huyện Bác Ái vẫn biết chơi và chế tác đàn Chapi. Theo nghệ nhân Thắm đàn Cha pi là loại nhạc cụ đơn sơ phỏng theo thanh âm của tiếng Mã la, gắn bó với người dân nghèo Raglai.

Hiện nay, giới trẻ có xu hướng ưa chuộng âm nhạc mới lạ, sôi động dẫn đến việc không còn mặn mà với đàn Chapi. Trước thực trạng này, huyện Bác Ái đã tận dụng nguồn vốn từ các chương trình mở truyền dạy nhạc cụ truyền thống của người Raglai, qua đó các nghệ nhân lớn tuổi như nghệ nhân Mai Thắm đã dạy lại cho đồng bào mình cách chơi đàn Chapi.

Từ lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống hiện nay nhiều người Raglai đã biết chơi đàn Chapi, các xã trên địa bàn huyện cũng đã thành lập các đội văn nghệ biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Ai cũng rất mê đàn Chapi và các nhạc cụ truyền thống, nhiều chị em khi vui, khi buồn đều lấy đàn Chapi làm bạn.

Ngoài những loại nhạc cụ tiêu biểu như Mã la, Chapi, người Raglai còn có nhiều loại nhạc cụ độc đáo khác, được chế tác từ những vật liệu hết sức gần gũi của núi rừng. Hy vọng rằng, với nỗ lực của ngành Văn hóa và đồng bào Raglai, những âm thanh độc đáo của nhạc cụ Raglai sẽ được bảo tồn, phát huy ngày càng bền vững. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Lê Trang -

Triệu Nguyễn