Những người lưu giữ mạch nguồn văn hóa Tây Nguyên

Văn hóa Tây Nguyên có một sức hấp dẫn lạ kỳ khiến nhiều người đến với vùng đất này đều yêu mến, say mê. Để giữ mạch nguồn ấy chảy mãi, những năm qua, tại các buôn làng, nhiều người yêu văn hóa Tây Nguyên đã luôn gom nhặt, sưu tầm, nhằm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào nơi đây.

Với niềm yêu thích, đam mê văn hoá Tây Nguyên, ông Mẫn Phong Sơn ở thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đã tìm tòi, lưu giữ, trưng bày hơn 500 hiện vật về đời sống của đồng bào nơi đây. Ngoài những vật như: gùi, chiêng, trống, tranh ảnh, sách,... ông đặc biệt lưu giữ các dòng ché cổ của đồng bào như Êđê, M’nông, Ba Na, Gia Rai, Xê Đăng,… niên đại khoảng thế kỷ 13. Ông đã xây dựng một bảo tàng ngay giữa buôn làng để hiện vật ở đúng nơi nó thuộc về.

Còn với vợ chồng chị H Lốc Mlô lại có niềm yêu thích đặc biệt với cồng chiêng và các vật dụng, nhạc cụ truyền thống của đồng bào Tây Nguyên. Ở đâu có hiện vật, gia đình chị đều tìm đến. Một ngôi nhà sàn đã được dựng nên để lưu giữ nhiều hiện vật như: các bộ chiêng của đồng bào Ê Đê, M’nông, Gia Rai; ghế kpan; đàn đinh năm, sáo…

Nhiều năm qua, sự xâm nhập của văn hoá ngoại lai đã làm thay đổi môi trường văn hoá truyền thống. Văn hoá bản địa Tây Nguyên đang ngày càng mai một. Trong bối cảnh đó, mỗi người sưu tầm chính là người gìn giữ hồn cốt dân tộc.

Trong mỗi hiện vật như: chiêng, ché, gùi, bầu đựng nước, các công cụ lao động,… đều ẩn chứa một câu chuyện về quá trình sinh sống, phát triển của đồng bào Tây Nguyên qua các thời kỳ. Đây chính là tư liệu sinh động để giáo dục cho thế hệ trẻ mai sau hiểu thêm về văn hoá, lịch sử; góp phần lưu giữ và lan tỏa hình ảnh đẹp về đất và người Tây Nguyên.

Đức Hưng