Những điều kiện chính trong đàm phán giữa Nga và Ukraine để giải quyết xung đột

Hiện các nhà ngoại giao Nga và Ukraine đang nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình với hy vọng nhanh chóng chấm dứt xung đột. Dư luận quốc tế đang dõi theo các cuộc đàm phán của hai nước và đưa ra các đánh giá về các điều khoản có thể xuất hiện trong một thỏa thuận hòa bình tiềm năng.

Những điều kiện chính trong đàm phán giữa Nga và Ukraine để giải quyết xung đột

Những tín hiệu tích cực đã phát đi từ cả phía Nga lẫn Ukraine cho thấy tiến trình đàm phán của hai nước đang có những chuyển biến rõ rệt và đi vào trọng tâm. Tia hy vọng vẫn được nhen nhóm bất chấp Mátxcova tiếp tục thực hiện chiến dịch quân sự và Kiev kiên quyết chống trả. 

Theo các nhà phân tích, điều quan trọng nhất của thỏa thuận là cơ chế trung lập về quân sự của Ukraine. Theo đó, Ukraine sẽ từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO, không đặt bất cứ căn cứ quân sự hoặc khí tài quân sự nước ngoài nào trên lãnh thổ nước này, chấp nhận trở thành một quốc gia trung lập như Áo hoặc Thụy Điển. 

Ông Vladimir Medinsky, trưởng đoàn đàm phán hòa bình của Nga: “Ukraine đang đưa ra một phiên bản trung lập tương tự như Áo hoặc Thụy Điển, phi quân sự nhưng có quân đội và lực lượng hải quân riêng.”

Đối với Nga, cam kết theo đuổi cơ chế trung lập của Ukraine có lẽ là yêu cầu tối quan trọng. Việc đảm bảo cam kết này trong bất cứ thỏa thuận nào cũng có thể giúp giảm bớt những lo ngại của Nga về mối đe dọa an ninh ngay sát sườn, đặc biệt là trước khả năng Kiev có thể trở thành thành viên NATO.

Điều kiện thứ 2 liên quan đến khả năng trở thành thành viên EU của Ukraine. Theo các nhà phân tích, điều mà Ukraine có thể đánh đổi là từ bỏ giấc mộng gia nhập NATO để đổi lấy cơ hội hội nhập với Liên minh châu Âu. Thụy Điển và Áo – 2 hình mẫu về cơ chế trung lập dù đứng ngoài NATO nhưng đều là thành viên của EU. Song vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Putin có chấp nhận một thành viên EU tồn tại trước ngưỡng cửa của Nga hay không. Tiếp theo là việc Ukraine cần sự đảm bảo an ninh của phương Tây. Đối với Ukraine, cam kết trung lập có thể sẽ đi kèm với điều khoản cần được Nga chấp nhận đó là các cường quốc phương Tây sẽ hỗ trợ họ nếu Ukraine bị đe dọa về an ninh. Đây là điểm mấu chốt đối với Nga, vì điều đó sẽ cho phép một số quốc gia khác, ngoại trừ NATO được tham gia vào kế hoạch phòng thủ tương lai của Ukraine. 

Như một điều kiện chấm dứt xung đột, Nga có thể yêu cầu Ukraine công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga và công nhận độc lập cho Donetsk và Lugansk. Tuy vậy, Ukraine từng tuyên bố không chấp nhận điều khoản này. Các chuyên gia nhận định, Nga và Ukraine khó có thể tiến tới việc đạt được thỏa thuận hòa bình một cách nhanh chóng. Sự ngờ vực và khác biệt về mục tiêu của mỗi bên là những yếu tố khiến các cuộc đàm phán gặp nhiều thách thức.

Nga không đề xuất các sáng kiến bình thường hóa quan hệ với phương Tây

Ông Sergei Lavrov cho rằng mặc dù Nga sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào, song Moskva không đề xuất sáng kiến nào nhằm bình thường hóa quan hệ với phương Tây. Thay vào đó, Nga sẽ chờ xem các nước này tự thoát khỏi “ngõ cụt” như thế nào. Trên hết, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga lập luận: “Bất kể tình hình xung quanh Ukraine và các lệnh trừng phạt như thế nào, hành vi của phương Tây chỉ cho thấy rằng họ là một đối tác không đáng tin cậy”. Theo ông Lavrov, việc tài sản của Ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng gần đây là dấu hiệu cho thấy dự trữ của các quốc gia khác cũng có thể bị “đánh cắp”.

Liên quan đến định OPEC+, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông không có lý do gì để tin rằng cơ chế Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) sẽ bị hủy bỏ.

Ông SERGEI LAVROV - Ngoại trưởng Nga: “Chúng tôi đã lưu ý rằng Mỹ quay sang Ả Rập Xê-út, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Qatar để tìm nguồn cung khí đốt và dầu. Và những quốc gia tôi đã đề cập, cũng như Venezuela và Iran đã nói rõ ràng: khi thảo luận về khả năng những nước tham gia mới trên thị trường dầu mỏ, tất cả chúng tôi đều ủng hộ định dạng OPEC + trong đó hạn ngạch cho mỗi bên tham gia được thảo luận và thống nhất bằng sự đồng thuận. Và tôi không có lý do gì để tin rằng cơ chế OPEC + sẽ bị dỡ bỏ vì không ai quan tâm đến điều đó."

Tuyên bố của Ngoại trưởng Nga được đưa ra trong bối cảnh hồi tuần trước, các nước OPEC+, trong đó có Nga, đã nhất trí duy trì kế hoạch theo đuổi những mục tiêu về sản lượng dầu hiện tại cho đến tháng Tư tới. Do giá dầu tăng và những quan ngại về nguồn cung liên quan đến tình hình Ukraine, nhiều nước đã kêu gọi OPEC tăng sản lượng dầu mỏ. Tuy nhiên, OPEC + dự kiến chỉ tăng sản lượng ở mức 400.000 thùng/ngày trong tháng Tư tới, tương tự mức tăng những tháng gần đây.

Vân Hương