Nhìn ra thế giới: Bảo tồn và phát huy di sản văn hoá – Kinh nghiệm Quốc tế

Trải qua nhiều thăng trầm cùng dòng chảy thời gian, nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đang ngày càng dần mai một. Và nhằm gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu cho thế hệ mai sau, các quốc gia hiện nay đang chú trọng vào việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá của mình theo các cách thức khác nhau.

Vào năm 2018, vũ kịch mặt nạ Lakhon Khol được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là điều kiện thuận lợi để đất nước chùa tháp bảo tồn, phát triển loại hình văn hóa nghệ thuật cổ truyền độc đáo này. Vũ kịch mặt nạ Lakhon Khol là loại hình nghệ thuật diễn xướng cổ truyền của Campuchia. Múa được xem là giữ vai trò quan trọng tạo ra sức hấp dẫn của Lakhon Khol với các động tác thể hiện sắc thái hùng dũng, thiết tha, dứt khoát và gợi cảm trên nền nhạc cổ. Đáng chú ý, dòng vũ kịch mặt nạ Lakhon Khol chỉ cho phép nam giới biểu diễn, ngay cả diễn vai nữ thì nam giới cũng bắt buộc phải hoá thân. Thể loại vũ kịch truyền thống độc đáo Lakhon Khol của Campuchia không những cuốn hút khán giả qua nội dung trình diễn, mà còn rất bắt mắt với những chiếc mặt nạ sặc sỡ. Có thể nói, mỗi chiếc mặt nạ đều là một tác phẩm nghệ thuật tỉ mỉ, được khắc hoạ đa dạng.

Nghệ sĩ trẻ Taming Suon là người tạo nên những chiếc mặt nạ biểu diễn của Lakhon Khol tại các nhà hát và biểu diễn múa mặt nạ trên toàn quốc. Chia sẻ về quá trình phát triển và gìn giữ những nét riêng của những chiếc mặt nạ này, Taming Suon cho biết mình đem những chiếc mặt nạ Lakhon Khol đến các triển lãm không nhằm mục đích thương mại, mà muốn bạn bè quốc tế hiểu hơn về một nét văn hoá truyền thống của người Campuchia.

Nằm trong top 100 khám phá khảo cổ vĩ đại nhất của Trung Quốc thế kỷ XX, khu di tích Ân Khư là một địa điểm lưu giữ những dấu tích để lại của một trong những kinh đô cổ xưa của Trung Quốc. Khu di tích Ân Khư đặt nền móng cho những khám phá khảo cổ về giáp cốt văn, từ đó xác định được chữ viết sớm nhất của Trung Quốc. Những dấu tích khảo cổ tại đây đã góp phần tái hiện hình ảnh về cố đô cuối cùng từ đời nhà Thương của Trung Quốc, tồn tại qua 8 thế hệ trong 255 năm với 12 đời vua. Khu di tích Ân Khư được khám phá lần đầu vào những năm 1899. Cho đến nay, khu di tích này là một trong những địa điểm khảo cổ lâu đời nhất và lớn nhất của Trung Quốc đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 2006, hiện toạ lạc tại phía bắc tỉnh Hà Nam, gần thành phố An Dương.

Mời quý vị theo dõi video!

Lê Hiếu