Nhiều chương trình, dự án quan trọng chậm triển khai, phân bổ vốn gây lãng phí nguồn lực

Sáng 25/5, thảo luận ở tổ về Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, các đại biểu Quốc hội nhận định, lãng phí về tài nguyên đất đai đang là vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Chính vì vậy, việc Quốc hội giám sát chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần sâu sát hơn để khắc phục tình trạng các dự án dang dở, các công trình hoang hóa.

Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại nhiều nơi còn chưa tốt, gây lãng phí tài nguyên đất đai. Nhiều công trình xây dựng dang dở lâu năm nhưng chuyển động rất chậm. Theo đại biểu Quốc hội, nguyên nhân do vi phạm nên bị đình chỉ, do thiếu vốn, năng lực nhà đầu tư, nhưng một phần cũng là vì pháp luật còn nhiều bất cập, nhất là về đền bù, giải phóng mặt bằng. 

Ông NGUYỄN ANH TRÍ, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Những ngưởi chấp hành tốt thì lại chịu thiệt thòi, đền bù thấp, người đi sau lại cao, lại càng nhiều lợi thế lại càng dây dưa, tôi hy vọng tới đây sửa luật đất đai sẽ giải quyết cái này.”

Bên cạnh đó, lãng phí trong đầu tư công, hiệu quả các dự án cũng là vấn đề được chỉ ra bởi lãng phí sẽ tác động đến niềm tin của của Nhân dân.

Ông TRƯƠNG XUÂN CỪ, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội:Tôi băn khoăn, việc chọn các dự án như thế nào thì phải là dự án có hiệu quả, tác dụng lớn trong phát triển kinh tế xã hội. Bây giờ quyết định các dựa án nào thì Quốc hội cũng có, nhưng Chính phủ phải vào cuộc. Lãng phí lớn nó còn liên quan đến niềm tin, hiệu quả xã hội, cử tri nhìn vào.”

 Viện dẫn ví dụ về lãng phí, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2021 có hàng chục nghìn tỷ đồng nằm trong Quỹ do doanh nghiệp trích lập để phát triển khoa học công nghệ nhưng không thể tiêu do vướng mắc tại Thông tư liên tịch số 12 hướng dẫn về nội dung chi và quản lý "Quỹ phát triển khoa học và công nghệ" của doanh nghiệp. 

Bà NGUYỄN THỊ KIM ANH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh: Một trong trong những điểm nghẽn trong Thông tư liên tịch 12: Doanh nghiệp nộp từ 3-10% doanh thu, như Viettel thu được 4,5 nghìn tỷ nhưng do vướng mắc của Thông tư liên tịch nên không tiêu được, nếu khơi thông được thì sẽ là một nguồn lực lớn. Trên Bộ Khoa học công nghệ vẫn đang treo là lấy ý kiến của các bên, do đó Bộ Tài chính và Bộ Khoa học công nghệ phải có sự phối hợp tháo gỡ khó khăn. doanh nghiệp trích lại quỹ mà ko có hướng giải quyết thì lãng phí cho doanh nghiệp, lãng phí cho xã hội.”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là sự chậm trễ trong triển khai, phân bổ vốn các chương trình, dự án quan trọng gây lãng phí lớn về nguồn lực ngân sách, đồng thời ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: Gói kích thích kinh tế của ta tổng số lên tới 347 nghìn tỷ đồng, riêng đầu tư cho các lĩnh vực đầu tư công, hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, y tế, đã hơn 250 nghìn tỷ nhưng hiện nay chưa phân bổ được đồng nào, mà thời gian chỉ có 2 năm, năm nay và sang năm thôi.”

Trước tình trạng lãng phí gây ra nhiều hệ quả cho xã hội, đại biểu Quốc hội đề nghị, Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề về tiết kiệm, chống lãng phí một cách sâu sát, chỉ rõ địa chỉ, nêu rõ trách nhiệm, có kết luận cụ thể, đồng thời các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện.

Thanh Nga