Nhiều bất thường trong hoạt động khai thác khoáng sản tại Bình Thuận

Thời gian gần đây, tỉnh Bình Thuận liên tục cấp phép, gia hạn cho nhiều mỏ khai thác cát hoạt động. Chỉ tính riêng trên địa bàn 1 xã Tân Đức, huyện Hàm Tân đã có tới 7 mỏ cát được cấp phép. Tuy nhiên, sau khi có “lá bùa” là giấy phép, hoạt động khai thác đã bộc lộ nhiều bất cập, có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Mỏ cát Công ty TNHH Quyền Thuyền, thôn 5, xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Từ trên cao có thể thấy hiện trạng đất khu vực này đã bị thay đổi, nhiều diện tích đất giờ đây đã biến thành hồ chứa nước có màu đục ngầu…Để phân biệt đâu là phạm vi mỏ được cấp phép, cũng là điều khó có thể nhận biết.

Dù cán bộ địa chính xã Tân Đức, huyện Hàm Tân cũng có mặt tại hiện trường cùng phóng viên, để kiểm tra thực địa khai trường khai thác cát của Công ty Quyền Thuyền. Vậy nhưng cánh cổng này luôn cửa đóng then cài, ngay cả cán bộ xã cũng không thể tiếp cận phía bên trong.

Được biết, 16/3/2023 UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Quyền Thuyền 120 triệu đồng, do không khai báo sản lượng khai thác thực tế hàng tháng.

Cách đó không xa, là đại công trường khai thác cát của Công ty Lan Thu Hà, ở khu phố 7, thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Dù có trạm cân tải trọng, nhưng những chiếc xe đầu kéo đầy ắp cát, vẫn vô tư, lao vun vút ra khỏi khai trường mà không cần qua trạm cân.

Như vậy, có thể thấy, sau khi được cấp phép cho hoạt động khai thác, các doanh nghiệp đã tự cho mình cái quyền định đoạt tài nguyên khoáng sản quốc gia mà không cần thông qua cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Lợi nhuận thì túi cá nhân, còn tài nguyên thì đang ngày ngày bị rút ruột, môi trường thì cũng chẳng ai biết trước sẽ bị ảnh hưởng ra sao, nếu như doanh nghiệp tiếp tục không thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Hữu Nghĩa - Văn Lệ - Đức Hưng