Nhân viên y tế nghỉ việc, cơ chế nào giữ người ở lại

Thời gian gần đây, làn sóng nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố trong đó có Hà Nội với hàng trăm y bác sỹ xin thôi việc từ đầu năm đến nay. Tình trạng này gây thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực ngành Y tế trong việc chăm sóc sức khỏe người dân nhất là tuyến y tế cơ sở.

Hầu hết cán bộ, nhân viên y tế khi nghỉ việc đều cho rằng vì chế độ lương, đãi ngộ thấp, công việc áp lực nên họ không thấy yên tâm công tác.

Từng là một điều dưỡng thuộc biên chế của Trạm y tế phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng được hơn 6 năm nhưng cách đây gần 5 tháng, anh Sơn phải chia tay với những đồng nghiệp để tìm công việc khác với mong muốn kiếm thêm đồng thu nhập phụ giúp vợ để nuôi con nhỏ. 

Anh ĐINH HOÀNG SƠN, Quận Long Biên, thành phố Hà Nội:Khi mà đại dịch đến thì công việc của vợ tôi không mở cửa hàng kinh doanh được đồng nghĩa với không có thu nhập mà thực tế với thu nhập của tôi được hơn 4 triệu thì không đủ sức để mà gắn bó thêm được nữa.”

Trạm Y tế phường Vĩnh Tuy nơi anh Sơn từng công tác hiện có 9 y, bác sĩ biên chế và 1 nhân viên hợp đồng. Do tình trạng lương thấp kéo dài nên vài năm nay, trạm không tuyển được thêm nhân viên y tế nào. Có người gắn bó với Trạm Y tế gần 10 năm nhưng tổng thu nhập mới chỉ gần 5 triệu đồng một tháng. 

Điều dưỡng HOÀNG THỊ THỎA, Trạm Y tế phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội:Có những đồng nghiệp làm với nhau nhiều năm rồi họ nghỉ, người ta nói là quá oải. Đi làm 24/24, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh thì như thế, ngoài ra thì lương chỉ có như vậy thế thì mình cũng bị lay động nhiều,  mình cũng bị xáo trộn, mình cũng bảo hay là mình cũng nghỉ".

Bác sỹ NGUYỄN THỊ THU, Trạm Y tế phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội: “Cá nhân tôi cũng rất mong muốn các cấp lãnh đạo, ban ngành quan tâm đến đời sống của nhân viên y tế để mỗi cán bộ công hiến thêm sự đam mê, tâm huyết để phục vụ ngành y tế ngày một tốt hơn”.

Tình trạng thiếu bác sĩ làm việc cơ hữu tại các trạm y tế đang diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Chỉ tính riêng trong năm 2021 toàn ngành y tế có 532 người xin nghỉ việc. Trong đó, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có hơn 80 cán bộ nhân viên y tế xin nghỉ việc và chuyển công tác.

Ông NGUYỄN HOÀNG LONG, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ Y tế:Để đáp ứng nguồn nhân lực, chúng tôi cũng tham mưu với chính phủ xây dựng phụ cấp đặc thù trong chống dịch cho nhân viên y tế và lực lượng tham gia chống dịch và nâng phụ cấp chống dịch, thường trực chống dịch từ 300 nghìn và sau này lên đến 450 nghìn đối với những vùng có tỷ lệ mắc cao. Tuy vậy, đấy chỉ là nguồn động viên thôi. Việc xây dựng chế độ để phù hợp và đáp ứng được cho sự cống hiến của nhân viên y tế là sự cần thiết.”

Ông NGUYỄN ANH TRÍ, Thành viên Uỷ ban Xã hội của Quốc hội: “Tôi đã từng gặp mặt những gặp mặt những cán bộ đó, gặp mặt cả những cán bộ chống dịch xong, cách ly xong quay trở về nhà cũng có thì nói thật nhiều lần tôi đã chảy nước mắt về những hy sinh của họ. Sự hy sinh đó còn cao hơn nhiều, lớn hơn nhiều so với cái gì mà Chính phủ nhà nước trả cho họ bằng đồng tiền lương, tiền thù lao”.

Tăng thu nhập, các chế độ đãi ngộ và phát triển bản thân đang là bài toán ngành y tế phải tính toán để giữ chân nhân viên y tế. Đặc biệt là tuyến y tế cơ sở bởi khi nhân viên y tế rời bỏ khu vực công lập, đồng nghĩa người bệnh sẽ chịu thiệt thòi. 

Khánh Hoàng