• 3188 lượt xem
  • 06:31 06/05/2022
  • Văn hóa

Nhận diện lại giá trị của di sản kiến trúc đô thị

Mỗi đô thị được quy hoạch bài bản đều mang trong mình một bản sắc riêng, bao gồm sự kết nối của quá khứ - hiện tại - tương lai. Đối với các công trình di sản đô thị, giới chuyên môn luôn dành sự quan tâm đến vấn đề bảo tồn bền vững, làm sao để hệ thống di sản kiến trúc cận - hiện đại được gìn giữ và phát huy giá trị trong sự tiếp biến văn hóa của thời gian.

Mặc dù mang đậm dấu ấn về  giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc, nhưng việc bảo tồn di sản kiến trúc cận - hiện đại ở một số đô thị đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là đa phần các công trình thuộc bộ phận di sản này chưa được xếp hạng di tích và chưa được Luật Di sản văn hóa bảo vệ bằng hệ thống khung pháp lý như các di tích khác. 

Trong khi đó, thực tế cuộc sống lại đặt ra những đòi hỏi bức thiết, làm sao để những công trình kiến trúc (và cả môi trường không gian mà nó đang tọa lạc) được nhận diện đúng giá trị, để có biện pháp bảo tồn, bảo vệ trước khi bị biến dạng, tổn thương, thậm chí là phá bỏ hoàn toàn. 

Kiến trúc sư - Tiến sĩ TRẦN QUỐC BẢO, Giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch đô thị, Đại học Xây dựng Hà Nội: “Những công trình kiến trúc thuộc địa Pháp ở Hà Nội đã xây dựng từ cách đây hàng trăm năm trước, đã trở thành di sản rồi, bây giờ không phải bảo là cái này của cơ quan này, cái này của cá nhân A, cá nhân B, mà cái này - về mặt di sản - đã thuộc về toàn thể nhân dân Thủ đô, thậm chí là nhân dân cả nước.”

Ngược thời gian, có lẽ nhiều người trong chúng ta còn chưa quên câu chuyện về một số công trình đáng nhớ như nhà thờ Thủ Thiêm, dinh Thượng Thơ ở TP.Hồ Chí Minh, dinh Thượng Thơ Đà Lạt… Khi có dự định phá bỏ, các sở, ngành liên quan đã công bố thông tin rộng rãi đến công luận, để lắng nghe ý kiến phản hồi từ nhiều phía. Cuối cùng, họ đã quyết định giữ lại công trình, mặc dù xét về lý thì việc đập bỏ không hẳn đã là sai.  

Bản sắc đô thị là tổng hòa của nhiều thuộc tính; trong đó thuộc tính căn bản nhất là đặc điểm cảnh quan, địa hình thiên nhiên. Mỗi công trình di sản cần được nhận diện trong mối quan hệ tổng thể với quần thể kiến trúc xung quanh. Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần rà soát, đánh giá lại các công trình theo những tiêu chí cụ thể và toàn diện; để từ đó đưa ra được quy chế bảo tồn di sản kiến trúc cận - hiện đại một cách khoa học và nhân văn nhất.

Kiến trúc sư TRẦN HUY ÁNH, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội: “Nếu muốn gia tăng giá trị của đô thị thì không những là làm nên những công trình mới, mà phải nhận diện lại những giá trị cũ mà không thể thay thế được trong một đô thị phát triển. Nếu một đô thị phát triển theo kiểu cứ phá đi những công trình có giá trị (chứ chưa nói là di sản) thì cái đô thị ấy ngày càng ít giá trị đi. Anh chỉ có thể phá hủy nó đi nếu anh đặt vào đó những cái có giá trị hơn nó, chứ nếu đặt vào bất cứ một cái gì có giá trị thấp hơn thì việc đó không đáng làm.”

Hiện nay, chúng ta chưa có đủ hành lang pháp lý để bảo vệ hệ thống di sản đô thị. Dưới áp lực của cơn lốc đô thị hóa, câu chuyện phá - xây, xây - phá vẫn tạo thành bức xúc trên công luận, đặc biệt tại vị trí những khu “đất vàng”, “đất kim cương”. Như vậy, vấn đề có tên hay không có tên trong danh sách các công trình phải bảo tồn cũng là điều cần nhìn nhận lại. Nên chăng, Luật Di sản văn hóa khi sửa đổi cần đưa vào một số khái niệm di sản mới và làm rõ hơn những khái niệm đó, để hệ thống di sản kiến trúc được gìn giữ lâu bền, bằng sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và thích ứng trong thời hiện đại.

Minh Tiến