Nguồn lương giáo viên chủ yếu từ người học: Đẩy thế khó cho người học, phụ huynh và gia đình?

Phát biểu tranh luận tại hội trường ngày 7/11, đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết, một trong các giải pháp Bộ trưởng Nội vụ đặt ra là sớm điều chỉnh, bổ sung sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với thực tiễn; việc giảm biên chế là giảm số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước để chuyển sang hưởng lương từ tự chủ.

Theo đại biểu, nguồn trả lương cho giáo viên là từ người học. Chúng ta đang đẩy thế khó cho người học, phụ huynh và cho gia đình, trong khi thu nhập của số đông người dân không tăng, thậm chí là sụt giảm. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nội vụ có giải pháp để đảm bảo số lượng con em đến trường học, giảm áp lực cho nhà trường cũng như cho giáo viên.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, tự chủ là xu thế chung, yêu cầu khách quan, là chủ trương lớn của Đảng. Thời gian qua, thực hiện tự chủ đạt kết quả nhất định nhưng còn những khó khăn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, mục tiêu đặt ra là đến 2021, phấn đấu cả nước có 10% đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính và đến năm 2025 có 20% đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn về tài chính và giảm 10% viên chức hưởng lương từ ngân sách. 

Chỉ rõ một số vướng mắc thể chế, nhận thực và tư duy, phương thức tổ chức, điều kiện và đời sống của người dân, Bộ trưởng Bộ Nội cũng cho biết, giải pháp thực hiện thời gian tới chỉ đạo thực hiện tự chủ gắn với chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, trong đó có đổi mới với ổn định phát triển. Đặc biệt, trên cơ sở xác định dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và điều kiện tự chủ của đơn vị, từ đó đẩy mạnh tự chủ theo từng vùng miền, từng lĩnh vực; bảo đảm theo lộ trình gắn với tiến bộ công bằng xã hội, chăm lo phát triển nhân tố con người, hỗ trợ đối tượng khó khăn chính sách.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số