• 1135 lượt xem
  • 14:22 02/06/2023
  • Kinh tế

Ngành gỗ thúc đẩy xúc tiến thương mại để tháo gỡ khó khăn

Đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ tiếp tục giảm sâu gần 30% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là các thị trường chính của ngành gỗ như Mỹ, Châu Âu rơi vào lạm phát kinh tế, nhu cầu phải cắt giảm.

Để giúp ngành gỗ thoát khỏi tình trạng “ế ẩm”, nhiều giải pháp đã và đang được các bộ, ngành lẫn doanh nghiệp triển khai, trong đó có hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ quốc tế, giúp doanh nghiệp tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng thị trường.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4 tỷ USD, giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2022. Không phải là mặt hàng thiết yếu nên trong bối cảnh kinh tế lạm phát, thị trường chính của gỗ xuất khẩu Việt Nam là Mỹ, EU phải cắt giảm mua sắm, kéo theo đơn hàng sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực xoay chuyển, tìm thị trường mới.

Dù đại dịch Covid-19 đã lắng xuống, nhưng ảnh hưởng vẫn dai dẳng. 4 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ vẫn khó khăn. Do vậy, các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành gỗ cần đẩy mạnh hơn, giúp doanh nghiệp tìm kiếm, thích ứng với đối tác mới thay vì phụ thuộc vào sản phẩm, thị trường truyền thống.

Thời gian tới, ngành gỗ sẽ có cơ hội từ những hội chợ quốc tế như VIFA ASEAN 2023, chủ đề “Nơi hội tụ tinh hoa nội thất Đông Nam Á”. Hiện nay, Đông Nam Á là thị trường tiềm năng mà ngành gỗ cần thâm nhập.

Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đang tiếp tục nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành gỗ.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Phạm Quyền