Mỹ cần chuẩn bị ngân sách cho đại dịch kế tiếp

Động đất gây thương vong lớn ở Afghanistan; Bắt đầu chiến dịch tranh cử thượng viện tại Nhật Bản; Chặng đường tới Liên minh Châu Âu của Ukraine; EU thúc đẩy các biện pháp bảo vệ an toàn cho nhà báo; Châu Âu quay trở lại với than đá; Mỹ cần chuẩn bị ngân sách cho đại dịch kế tiếp; Tác phẩm kĩ thuật số lấy cảm hứng từ vacccine mRNA... là những tin quốc tế nổi bật tối ngày 22/6.

ĐỘNG ĐẤT GÂY THƯƠNG VONG LỚN Ở AFGHANISTAN

Động đất có độ lớn 6,1 richter xảy ra vào sáng sớm 22/6 tại miền Đông Afghanistan đã gây thiệt hại nặng nề cả về cơ sở vật chất và sinh mạng. Ước tính đã có ít nhất 950 người thiệt mạng do động đất.

Thông tin từ Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết, tâm chấn của trận động đất ở độ sâu 50,83 km, cách thành phố Khost, gần biên giới Pakistan, khoảng 44 km. Khoảng 119 triệu người dân sinh sống ở Pakistan, Afghanistan và Ấn Độ cảm nhận được rung chấn của trận động đất này. 

Người dân Afghanistan: “Trận động đất xảy ra vào khoảng nửa đêm và đã phá hủy toàn bộ nhà cửa của những người hàng xóm của chúng tôi. Có nhiều người thiệt mạng và bị thương, nhiều người được đưa tới bệnh viện để cấp cứu.”

Theo các nguồn tin địa phương, tỉnh Paktika, miền Đông Pakistan, là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong trận động đất. Trận động đất đã phá hủy hàng chục ngôi nhà và gây ra lở đất tại tỉnh này. Đây cũng là địa phương hứng chịu thương vong nhiều nhất, với khoảng 255 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương.

BẮT ĐẦU CHIẾN DỊCH TRANH CỬ THƯỢNG VIỆN TẠI NHẬT BẢN

Hôm nay, chiến dịch tranh cử Thượng viện ở Nhật Bản đã chính thức bắt đầu. Các ứng cử viên có 18 ngày vận động tranh cử để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình vào ngày 10/7 tới.

Đồng Yên mất giá, giá cả hàng hóa leo thang do tác động của xung đột tại Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng và cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung tác động tiêu cực tới đà phục hồi của nền kinh tế hậu Covid-19 được cho là các vấn đề sẽ làm nóng chiến dịch tranh cử. Thượng viện Nhật Bản có tổng cộng 248 ghế, trong đó một nửa số ghế sẽ được bầu lại theo định kỳ 3 năm một lần. Hơn 500 ứng cử viên dự kiến sẽ ra tranh cử để cạnh tranh 125 ghế ở Thượng viện, trong đó có 74 ghế được bầu trực tiếp ở các khu vực bầu cử, 50 ghế được bầu theo hình thức đại diện tỷ lệ và 1 ghế được bầu bổ sung ở tỉnh Kanagawa.

CHẶNG ĐƯỜNG TỚI LIÊN MINH CHÂU ÂU CỦA UKRAINE

Chặng đường tới Liên minh Châu Âu của Ukraine, tuy còn dài, nhưng đã ghi nhận thêm tín hiệu tích cực. Một ngày trước Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU), sẽ diễn ra trong hai ngày 23-24/6, các nước thành viên đã đạt được sự đồng thuận lớn về vấn đề cấp quy chế ứng cử viên cho Ukraine. Sau đây chúng ta sẽ cùng theo dõi 1 tổng hợp ngắn về những diễn biến chính kể từ thời điểm Ukraine ký đơn xin gia nhập EU.  

Chưa đầy một tuần sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine,  ngày 28/2/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký đơn xin gia nhập EU.

Tổng thống Ukraine VOLODYMYR ZELENSKY: “Chúng tôi đề nghị Liên minh Châu Âu kết nạp Ukraine ngay lập tức, theo quy trình đặc biệt. Mục tiêu của chúng tôi là sát cánh với tất cả người dân Châu Âu, và quan trọng nhất là đạt được bình đẳng. Tôi chắc chắn rằng Ukraine xứng đáng với điều đó.”

Ngày 1/3, Tổng thống Ukraine đã có bài phát biểu trực tuyến tại phiên họp của Nghị viện Châu Âu. Lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine đã ngay lập tức nhận được ủng hộ của các nhà lãnh đạo và lập pháp của Liên minh Châu Âu.

Ông CHARLES MICHEL, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu: “Hội đồng Châu Âu cần nghiêm túc phân tích yêu cầu gia nhập EU của Ukraine. Đây là một yêu cầu mang tính biểu tượng, mạnh mẽ và hoàn toàn chính đáng. Chúng ta cần phải đưa ra quyết định một cách công bằng.”

Tuần trước, các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Italia và Romania đã đến thăm Ukraine và cam kết sẽ ủng hộ nỗ lực của Kiev để trở thành ứng cử viên chính thức.

Tổng thống Pháp EMMANUEL MACRON: “Tất cả 4 nhà lãnh đạo chúng tôi đều ủng hộ tư cách ứng cử viên của Ukraine để gia nhập Liên minh Châu Âu ngay lập tức.”

Ngày 17/6, Ủy ban Châu Âu đề xuất trao tư cách ứng viên EU cho Ukraine sau khi đánh giá Kiev sẵn sàng tiến hành thêm nhiều cải cách để phù hợp với loạt tiêu chuẩn của tổ chức.

Bà URSULA VON DER LEYEN, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu: “Ủy ban Châu Âu đề nghị trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine. Điều này dựa trên nhận thức rằng Ukraine sẽ tiếp tục thực hiện một số cải cách quan trọng hơn nữa.”

Trong khi đó, nhiều nước Châu Âu vẫn không ủng hộ việc Ukraine gia nhập EU, cho rằng nước này vẫn chưa sẵn sàng và có những vấn đề nghiêm trọng về pháp quyền, tham nhũng, tội phạm và các quyền tự do chính trị.

Dự kiến, khối Liên minh gồm 27 nước thành viên sẽ bỏ phiếu để thông qua tư cách ứng cử viên của Ukraine, Moldova và Gruzia tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong 2 ngày tới.

EU THÚC ĐẨY CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ AN TOÀN CHO NHÀ BÁO

Hội đồng Châu Âu đã thông qua các biện pháp bảo vệ và đảm bảo an toàn cho các nhà báo và chuyên gia truyền thông, trong bối cảnh ngày càng có nhiều mối đe dọa đối với các nhà báo tại khu vực này. 

Theo báo cáo của Hội đồng Châu Âu, trong năm 2021, số tin cảnh báo về các mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn của các nhà báo ở châu Âu đã tăng lên 282, gần gấp đôi so với năm 2016. Do đó, các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) kêu gọi Ủy ban Châu Âu (EC) tăng cường tài trợ cho báo chí điều tra, cũng như đảm bảo an toàn của các nhà báo và chuyên gia truyền thông trên không gian mạng. 

CHÂU ÂU QUAY TRỞ LẠI VỚI THAN ĐÁ

Tuần qua, lượng khí đốt Nga cung cấp cho một số quốc gia Châu Âu đã giảm mạnh, với lý do quy trình sửa chữa và bảo trì các thiết bị nén khí của tuyến đường ống bị chậm trễ. Không chỉ đẩy giá năng lượng tăng cao, động thái này còn làm dấy lên những lo lắng rằng, có khả năng Châu Âu sẽ lâm vào tình cảnh khó khăn khi mùa đông tới, bởi đó là thời điểm nhu cầu tiêu thụ khí đốt ở mức cao nhất. Để giải bài toán về năng lượng, lựa chọn của một số nước Châu Âu là quay trở lại với than đá, vốn không được coi là nguồn năng lượng sạch trong quá trình chuyển đổi xanh. 

Theo truyền thông Đức, lượng khí đốt Nga cấp cho nước này qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đã giảm tới 60%. 

Công ty năng lượng Italia Eni cho biết lượng khí đốt từ Nga đã giảm 50%, trong khi nhà điều hành hệ thống truyền dẫn khí đốt tự nhiên GRTgaz của Pháp cho biết đã không nhận được khí đốt của Nga từ giữa tuần qua. 

Để vượt qua cuộc khủng hoảng khí đốt, một loạt quốc gia bao gồm Đức, Italia, Áo và Hà Lan đều đã phát đi tín hiệu có thể tái khởi động các nhà máy nhiệt điện than. 

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã công bố các biện pháp khẩn cấp, trong đó có tăng dùng than để đáp ứng nhu cầu năng lượng do nguồn cung khí đốt từ Nga giảm. Theo Bộ Kinh tế Đức, việc đưa các nhà máy nhiệt điện than quay trở lại có thể giúp tăng thêm 10 gigawatt công suất điện trong trường hợp nguồn cung khí đốt đạt mức tới hạn. Động thái tăng sử dụng than là điều không mong muốn của Đức khi nước này đã cam kết sẽ ngừng sử dụng than vào năm 2030. Dự kiến, một dự thảo luật liên quan tới vấn đề này sẽ được trình lên Thượng viện Đức vào ngày 8/7 tới. 

Trong khi đó, chính phủ Hy Lạp quyết định đẩy lùi kế hoạch đóng cửa một số nhà máy nhiệt điện than, cho biết hoạt động khai thác than sẽ tăng 50% trong năm nay và năm sau, để phục vụ sản xuất điện cho mùa du lịch hè cao điểm. 46% lượng khí đốt của nước này được nhập khẩu từ Nga. 

Ông KONSTANTINOS GIDIS, Giám đốc Nhà máy nhiệt điện than Megalopolis 4: “Năm nay, chúng tôi đang dự trữ khoảng 640.000 tấn than. Cùng thời điểm này, vào năm ngoái, lượng dự trữ là khoảng 450.000 tấn. Lượng dự trữ đã được tăng cường để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện vốn tăng lên vào mùa hè, và hơn nữa là do sự không chắc chắn về nguồn cung khí đốt.”

Trong diễn biến liên quan, chính phủ Áo có kế hoạch chuyển đổi nhà máy sản xuất điện bằng khí đốt sang than đá nếu nước này đối mặt với tình trạng khẩn cấp về năng lượng.

Còn Hà Lan sẽ dỡ bỏ mức trần sản xuất đối với các công ty năng lượng đốt than để dự trữ nguồn khí đốt trong bối cảnh Gazprom giảm nguồn cung sang Châu Âu. 

MỸ CẦN CHUẨN BỊ NGÂN SÁCH CHO ĐẠI DỊCH KẾ TIẾP

Mỹ có đủ ngân sách cho các hoạt động ứng phó với Covid-19 ít nhất cho tới cuối năm nay. Tuy nhiên, nước này cần chuẩn bị ngân sách dự phòng để đối phó với đại dịch kế tiếp. Đây là khẳng định của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi tới thăm một trung tâm tiêm chủng ở thủ đô Washington.

Từ ngày 21/6, Mỹ bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Để phục vụ chiến dịch này, chính quyền Mỹ đã mua số lượng lớn vaccine cho nhóm tuổi này, với 10 triệu liều vaccine của các hãng Moderna và Pfizer/BioNTech đã có sẵn và hàng triệu liều trong những tuần tới.

Phát biểu tại trung tâm tiêm chủng ngay trong ngày đâu tiên chiến dịch tiêm phòng cho trẻ em được triển khai, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, luôn nỗ lực để bảo vệ trẻ em khỏi Covid-19. 

Tổng thống Mỹ JOE BIDEN: “Chúng ta cần nhiều tiền hơn. Không chỉ cần nhiều ngân sách cho vaccine để tiêm phòng cho trẻ em, mà chúng ta còn phải lên kế hoạch trong trường hợp xảy ra đại dịch tiếp theo. Chúng ta phải nghĩ trước về điều đó."

Mỹ được xem là quốc gia có nhiều người tử vong vì dịch Covid-19 nhất thế giới, với hơn 1,1 triệu ca. Hơn 13,6 triệu trẻ em ở Mỹ đã mắc COVID-19 kể từ khi dịch bệnh này bùng phát.

TÁC PHẨM KĨ THUẬT SỐ LẤY CẢM HỨNG TỪ VACCINE MRNA

Trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, công nghệ mRNA đã đóng vai trò quan trọng trong việc chế tạo thành công vaccine giúp kiểm soát dịch bệnh. Để ghi nhận đóng góp của công nghệ này, Đại học Pennsylvania, Mỹ đã tạo ra 1 tác phẩm kỹ thuật số, mô phỏng lại quá trình loại hình vaccine mRNA hoạt động đối với virus Covid-19.

Một cái nhìn chưa từng có về cách vaccine mRNA tấn công virus gây bệnh Covid-19. Đoạn video này nằm trong 1 tác phẩm kỹ thuật số dưới dạng NFT, hay là 1 đơn vị dữ liệu được lưu trữ trên sổ cái kỹ thuật số. Toàn bộ hình ảnh được sử dụng từ nghiên cứu của giáo sư Drew Weissman, người đã có đóng góp to lớn trong nghiên cứu và phát triển các vaccine mRNA trong đó có vắc xin COVID-19 do Pfizer và Moderna sản xuất. Ông cũng người đứng đầu chương trình nghiên cứu vaccine thuộc đại học Pennsylvania.

Ông CRAIG CARNAROLI, Phó Chủ tịch cấp cao Đại học Pennsylvania: “Đó là một loại mRNA sửa đổi đã được nghiên cứu tại đây, nó thực sự đã giúp mở đường cho một số loại vaccine Covid-19 dựa trên mRNA và ngày càng được coi như là một trong những thành tựu y khoa vĩ đại nhất thế giới.”

Tác phẩm NFT mất từ sáu đến bảy tháng để hoàn thành bởi sự hợp tác giữa Trường kinh doanh Wharton và Trung tâm nghiên cứu sáng tạo tài chính thuộc Đại học Pennsylvania.

Các nhà khoa học đã lên ý tưởng này với hi vọng ghi nhớ công trình nghiên cứu về mRNA và nhấn mạnh tầm quan trọng của nó trong sự đóng góp cho sự phát triển của nền y khoa toàn cầu.

Tác phẩm NFT này dự kiến sẽ được đấu giá từ ngày 7 đến 15 tháng 7 tới, đồng thời toàn bị số tiến thu được từ việc đấu giá sẽ được sử dụng cho việc hỗ trợ các dự án nghiên cứu tại Trường đại học Y khoa thuộc Đại học Pennsylvania. 

Anh Tuấn