Muôn màu cuộc sống: “Vương quốc gốm đỏ” Mang Thít - Vĩnh Long

Khi nhắc đến làng nghề nung gạch, gốm ở miền Tây thì Vĩnh Long là địa phương có số hộ gia đình theo nghề và tập trung nhiều cơ sở sản xuất nhất. Trong đó hai xã Nhơn Phú và Mỹ An, huyện Mang Thít được biết đến là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng khắp vùng. Đến nay, những lò nung gạch, gốm ở Mang Thít có tuổi đời hàng trăm năm. Chính vì vậy mà dân gian thường hay gọi nơi đây là “Vương quốc gạch, gốm đỏ” hay “Thủ phủ gạch, gốm”. Từng mái lò, từng hàng gạch, từng hình ảnh lung linh với cảnh sắc thiên nhiên sông nước đặc trưng của làng gạch gốm không thể lẫn vào đâu….

Đến với xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những lò gạch, gốm mọc san sát nhau, nhìn từ xa trông như các tòa tháp.

Làng nghề nung gạch, gốm ở Mang Thít khi xưa có hơn 3.000 lò nung. Đây được xem là thời kỳ hoàng kim của nghề nung gạch gốm Vĩnh Long. Tuy nhiên số gia đình duy trì lò nung ngày càng ít lại vì nhiều lý do khác nhau. Hiện chỉ còn khoảng 700 cơ sở, trong đó xã Nhơn Phú và Mỹ An, huyện Mang Thít, là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất gạch hơn cả.

Theo các chủ lò, làm nghề gạch, gốm cũng lắm công phu. Ban đầu, sản phẩm của các lò nung chủ yếu là gạch và ngói, những sản phẩm quan trọng để xây dựng nhà cửa. Khoảng năm 1980, nhiều chủ lò gạch bắt đầu tạo nhiều sản phẩm chất lượng hơn nhờ việc nâng cao nhiệt độ nung. Từ đó, các sản phẩm bình dân như chum, vại, gạch, ngói đến bát, đĩa, chén… đều được mọi người công nhận và vô cùng yêu mến.

Hiện tỉnh Vĩnh Long đang phát triển theo hướng bảo tồn giá trị của làng nghề, trong đó biến các lò nung gạch, gốm hiện còn được giữ lại thành địa điểm du lịch làng nghề kết hợp theo Đề án Di sản đương đại Mang Thít.

Từ một làng nghề truyền thống, nay các lò nung gạch gốm ở Vĩnh Long đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Linh Có -

Khánh Hà -

Hữu Ái