Mức phạt có là nguyên nhân khiến nạn phân giả "hoành hành" ở miền Tây?

Một số nông dân các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long đang lâm vào cảnh bất an khi gần đây giá vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cứ liên tục leo thang. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng phân bón trong nông nghiệp lại rất lớn. Đặc biệt tình trạng phân bón giả, kém chất lượng ngày càng nhiều.

Thậm chí, các đối tượng bất lương còn dùng gạch, đất, đá nghiền pha trộn thành phân bón, rồi đóng bao bì của các nhà sản xuất có thương hiệu để lừa người dân.

Hơn 40 năm làm nông, ông Lương Văn Giáp cũng như nhiều nông dân khác tại đây hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc sử dụng phân bón đúng cách cho cây trồng. Thế nhưng, trước tình trạng phân bón giả, kém chất lượng đang tràn lan, ông cũng đành bất lực.

LƯƠNG VĂN GIÁP, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre: “Những đại lý mua về trộn thêm vô thì không có chất lượng. Cái bao thì không phân biệt được vì ai cũng có thể làm cái bao được. Còn nông dân mình thì không thể phân biệt được chỉ là thấy phân nhập thì pha nước chút nó tan hết thì rải vậy thôi”.

Ông TRẦN VĂN ĐƯỜNG, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre: “Tiền mình mua thì mua giá phân thật, mà phân thì nó kém chất lượng nếu không muốn nói đó là phân giả, hậu quả rất nghiêm trọng”.

Để kiểm soát chất lượng phân bón trên thị trường, trong tháng 7 vừa qua, tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, lực lượng quản lý thị trường đã liên tục kiểm tra xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh mặt hàng này.

Tại Kiên Giang, Cục Quản lý thị trường tỉnh tiến hành kiểm tra hai cơ sở tại huyện Hòn Đất và huyện Giang Thành, lấy 2 mẫu phân bón NPK XNK A.G 20-20-1501 và một mẫu phân bón NP P.H 20-20 để thử nghiệm chất lượng và kết quả thử nghiệm là hàng giả.

NGUYỄN ĐIỀN: “Bao bì là phân bón cao cấp mùa vàng, nhưng phần lõi bên trong lại là hàng giả, toàn bộ hàng chục tấn phân bón này đã bị lực lượng quản lý thị trường Kiên Giang bắt giữ trong thời gian vừa rồi. Và đây cũng chỉ là một trong số hàng chục vụ mà quản lý thị trường đã bắt giữ. Điều này cho thấy việc phân bón giả trên thị trường hiện đang rất phức tạp”.

Ông NGUYỄN QUỐC THƠ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang: “Là một địa bàn có sản lượng nông nghiệp rất lớn nên việc sử dụng phân bón của bà con nông dân cũng tương đối nhiều. Đến nay thì việc kiểm tra bắt giữ của chúng tôi cũng đạt được nhiều kết quả nhưng quy mô về từng vụ việc thì nó có lớn hơn”.

Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng diễn biến phức tạp đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên một nghịch lý hiện nay là mức xử phạt tiền cho trường hợp sản xuất phân bón giả từ 1 triệu đến 200 triệu đồng, trong khi phân bón kém chất lượng lại có mức xử phạt từ 80-180 triệu đồng. Theo người dân mức phạt này, vô tình tạo điều kiện cho các cơ sở tăng cường sản xuất hàng giả với các hình thức thủ đoạn ngày một tinh vi hơn.

Nguyễn Điền