Mỗi toà án tỉnh phải có ít nhất một án lệ trong năm nay

Án lệ được xem như một nguồn để giải thích pháp luật và bổ sung cho thực tiễn nếu như pháp luật chưa được đề cập đến và tạo ra một chuẩn mực pháp lý mới để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng. Lịch sử phát triển án lệ của thế giới thì đã có từ hơn 100 năm trước, tuy nhiên tại Việt Nam án lệ mới chỉ được phát triển hơn 5 năm, từ 2017 trở lại đây.

Trong phiên chất chất vấn và trả lời chất vấn Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 21 vừa qua, việc phát triển án lệ cũng là một trong những nội dung nhận được nhiều quan tâm.

Theo các đại biểu, trong những năm qua, mặc dù Tòa án nhân dân tối cao đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển án lệ, tuy nhiên cho đến nay, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mới thông qua và ban hành được 63 án lệ, và chỉ có hơn 1.400 bản án, quyết định của các Tòa án viện dẫn, áp dụng án lệ. Con số này là quá ít ỏi so với yêu cầu của thực tiễn xét xử.

Ở Việt Nam, việc phát triển án lệ là một trong những nội dung cải cách tư pháp và do Án lệ được coi là chuẩn mực pháp lý mới, được viện dẫn như là một nguồn luật, cho nên quy trình làm án lệ, tiêu chí của án lệ cũng là vấn đề phải chú trọng để đảm bảo rằng các Án lệ được lựa chọn đều bảm chất lượng tốt.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình cũng cho biết thêm, trên thực tế, Việt Nam cũng có những án lệ được thế giới đánh giá là tầm cỡ, mặc dù số lượng ít nhưng được đánh giá rất cao, ví dụ như vũ khí nguy hiểm, tấn công vào vùng nguy hiểm nhưng không chết người thì đấy là tội giết người, nhiều Tòa án xưa nay vẫn xử là tội cố ý gây thương tích.

Đánh giá cao ngành Toà án đã chú trọng công tác phát triển Án lệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vẫn yêu cầu ngành Toà án cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình lựa chọn và phát triển án lệ nhất là trong một số lĩnh vực đang còn ít; đồng thời tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ.

Dương Dung