Mô hình phân tích năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện tại VSEF 2022

Tính đến hết năm 2020, Việt Nam đã và đang tham gia 14 hiệp định thương mại tự do đang có hiệu lực, khả năng tiếp cận gần 60 quốc gia với tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới và tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trên GDP khoảng 200%, trở thành một trong những nước có độ mở về kinh tế lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, độ mở ngày càng lớn về kinh tế và tài chính cũng khiến cho Việt Nam dễ bị tổn thương bởi những cú sốc từ kinh tế thế giới khi những khó khăn và năng lực của nền kinh tế còn nhiều hạn chế.

Việt Nam hiện có độ mở kinh tế thuộc nhóm lớn nhất thế giới - 200%. Con số này có nghĩa: tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 2 lần tổng sản phẩm quốc nội GDP.

Nếu chỉ số chứng khoán Mỹ giảm điểm 100% thì chỉ số chứng khoán Việt Nam cũng sẽ giảm theo khoảng 60%.

Đây không phải con số chính xác mà chỉ là ví von để dễ hình dung về tác động từ bên ngoài tới kinh tế Việt Nam khi độ mở lớn – các kênh liên thông rộng mở tương ứng. Điều này đặt ra yêu cầu Việt Nam cần có những đánh giá cụ thể về sức chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế trước các yếu tố biến động kinh tế từ bên ngoài cho dù là khách quan hay chủ quan.

TS. CẤN VĂN LỰC, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV: "Có 3 yếu tố cho thấy Việt Nam cần có tăng sức chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế. Thứ nhất: Kinh tế thế giới hiện nay tương đối bất định như chiến tranh, dịch bệnh, liên quan tới lĩnh vực kinh tế - tài chính - tiền tệ, giá cả lạm phát và nhiều biến số bất định khác. Thứ 2: Việt Nam hội nhập sâu rộng nên mọi biến động trên thế giới đều tác động tới kinh tế xã hội của Việt Nam".

Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, kinh tế phát triển chưa bền vững hay cụ thể hơn là: nguồn lực mất đi để đạt mức tăng trưởng hiện tại chưa tương xứng là vấn đề thường được nhắc tới khi nói về kinh tế Việt Nam. Việc đánh giá năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế sẽ góp phần đánh giá cụ thể các vấn đề của kinh tế Việt Nam, đồng thời trên cơ sở đó đưa ra các khuyến nghị giải pháp.

TS. CẤN VĂN LỰC, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV: "Chúng tôi đề xuất một mô hình, một khung phân tích có lẽ là lần đầu tiên có ở Việt Nam để đánh giá năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam trên cả 3 phương diện: kinh tế, chính trị xã hội, môi trường. Có so sánh với các quốc gia khác để biết được Việt Nam đang đứng ở đâu và sắp tới nên làm gì."

Lần đầu tiên khái niệm và kết quả nghiên cứu sơ bộ về chỉ số đánh giá sức chống chịu của nền kinh tế sẽ được chuyên gia kinh tế trưởng BIDV TS. Cấn Văn lực và các cộng sự công bố tại DIỄN ĐÀN KINH TẾ XÃ HỘI VIỆT NAM 2022 (VSEF). Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức vào ngày 18/9 tới.

Xuân Tiến