Luật Công đoàn sửa đổi: Đề xuất mở rộng điều chỉnh tới người không có quan hệ lao động

Sáng 10/4, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày tờ trình đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi). Ông Nguyễn Đình Khang cho biết, việc sửa Luật Công đoàn góp phần thúc đẩy Công đoàn Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, người lao động, ngày càng lớn mạnh.

Từ đó thu hút đông đảo người lao động và các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Công đoàn Việt Nam.

Luật Công đoàn sửa đổi sẽ hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống công đoàn Việt Nam. Hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật, nhất là Bộ luật Lao động năm 2019.

Đáng chú ý, Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả người làm việc không có quan hệ lao động, đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đây là Dự án Luật cần sớm được ban hành để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới và bảo đảm triển khai đồng bộ với các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về tổ chức đại diện của người lao động. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị Tổng liên đoàn lao động tiếp tục xem xét ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan trình tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn phạm vi sửa đổi, các chính sách cơ bản của dự án Luật.

Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam