Liên hợp quốc công bố 5 ưu tiên năm 2022

Vào thời điểm thế giới phải đối mặt với nhiều bất ổn, các nước cần phải đoàn kết hướng đến một con đường bình đẳng mới và đầy hy vọng. Đây là lời kêu gọi được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Gueteres đưa ra khi công bố 5 ưu tiên chính cho Chương trình nghị sự 2022.

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về các vấn đề mà thế giới cần phải giải quyết trong năm 2022, Tổng thư ký Antonio Gueteres nhấn mạnh 5 cảnh báo lớn. 

Ông Antonio Gueterres - Tổng Thư ký Liên hợp quốc: “Tôi muốn bắt đầu năm 2022 bằng 5 cảnh báo lớn đối với thế giới. Trước hết là Covid-19, tài chính toàn cầu, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, hòa bình và an ninh của thế giới. 5 thách thức lớn này đòi hỏi sự chung tay của các quốc gia” 

Theo ông Gueteres, chấm dứt đại dịch vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự mà thế giới cần phải giải quyết trong năm 2022. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng nhấn mạnh, khoa học đã chứng minh rất rõ ràng vắc xin hiệu quả và cứu sống con người, cần phải chấm dứt tình trạng bất bình đẳng vắc-xin toàn cầu.

Ưu tiên thứ 2 là cải cách hệ thống tài chính toàn cầu. Đại dịch Covid-19 cho thấy những lỗ hổng lớn trong hệ thống tài chính thế giới, với việc người giàu vẫn tiếp tục giàu và người nghèo có nguy cơ khốn cùng hơn. Tổng thư ký cũng kêu gọi cải cách hệ thống tài chính toàn cầu để hỗ trợ tốt hơn cho các nước đang phát triển.

Vấn đề thứ 3 là giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, với việc ủng hộ cho quá trình chuyển đổi xanh, các nước cùng chung tay thực hiện mục tiêu tham vọng về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong khi đó các ưu tiên thứ 4 và thứ 5 nhấn mạnh đến vấn đề an ninh mạng, giải quyết hòa bình các cuộc xung đột trên thế giới. 

Ông Antonio Gueterres - Tổng Thư ký Liên hợp quốc: "Thông điệp của tôi là không nên có bất kỳ sự can thiệp quân sự nào trong bối cảnh này. Tôi nghĩ rằng ngoại giao là cách để giải quyết vấn đề. Tất nhiên, bất kỳ cuộc xâm lược nào của một quốc gia này đối với quốc gia khác là vi phạm luật pháp quốc tế và tôi hy vọng rằng điều này sẽ không xảy ra”.

Đối mặt với hàng loạt thách thức, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng khẳng định, các quốc gia "phải chuyển sang chế độ khẩn cấp" và bây giờ là lúc hành động, vì điều này sẽ quyết định kết quả toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới./.

Bùi Thảo