Lấy phiếu tín nhiệm Kỳ họp thứ 6: Quyết liệt hơn trong đánh giá cán bộ

Kỳ họp thứ 6 nào cũng là kỳ họp quan trọng trong mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, vì đây là thời điểm để tổng kết lại một nửa nhiệm kỳ đã qua và đưa ra phương hướng cho nửa nhiệm kỳ còn lại. Đó là lý do tại sao Kỳ họp thứ 6 lại được lựa chọn để thực hiện một hoạt động rất quan trọng của Quốc hội được đông đảo cử tri quan tâm - đó là lấy phiếu tín nhiệm của các vị trí, chức danh được Quốc hội phê chuẩn.

Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày cho hoạt động lấy phiếu tín nhiệm. Từ chiều nay 24/10, Quốc hội đã bắt đầu quy trình thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Trước khi vào quy trình, phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; nâng cao chất lượng của bộ máy nhà nước, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp cho họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao hiệu quả công tác. Đồng thời, cũng làm cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ. 

Ngay sau đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm và sau đó Quốc hội đã thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Với 471/472 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn được lấy phiếu tín nhiệm, gồm:

+ Chủ tịch Nước, Phó Chủ tịch Nước.

+ Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội.

+ Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ.
+ Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với 5 trường hợp, gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh. Đây là 5 nhân sự được bầu, phê chuẩn bổ nhiệm trong năm 2023.

Như vậy, lần này Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với 44 nhân sự. 

5 nhân sự chưa lấy phiếu tín nhiệm lần này là do không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết 96 của Quốc hội bao gồm những người có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm. Như vậy là chiều nay 24/10 đã hoàn thành 2 bước trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm.

Quốc hội đã thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm, các Đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại đoàn về những vấn đề xung quanh việc lấy phiếu tín nhiệm.

Sáng mai 25/10 sẽ sang bước thứ 3. Tại phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội sẽ nghe báo cáo kết quả thảo luận và thành lập ban kiểm phiếu, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.

Bước thứ 4, ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu. Và bước cuối cùng là vào chiều mai, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Ngay sau đây, để có thêm thông tin về công tác lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam