Lãng phí điện gió, điện mặt trời trong nước nhưng lại đi nhập khẩu điện từ các nước lân cận

Tại Phiên họp, đại biểu Trần Thị Hoa Ry bày tỏ sự quan tâm về vấn đề năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, đảm bảo các mục tiêu cho mục tiêu Quy hoạch điện VIII; quan tâm hơn đến các mục tiêu, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm hơn về vấn đề việc làm cho lao động sau đại dịch COVID-19.

Liên quan đến hạn chế, bất cập trong các chính sách thu mua điện từ năng lượng tái tạo, điện gió và điện mặt trời, cử tri rất là phấn khởi. Trước thềm của kỳ họp, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII với mục tiêu là đặt ra phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ cho sản xuất điện.

Tuy nhiên, liên quan đến lĩnh vực này trong thời gian vừa qua vẫn còn những vấn đề bất cập. Trong khi chủ trương luôn khẳng định khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo trong thực tiễn đầu tư thì lĩnh vực năng lượng tái tạo như là điện gió, điện mặt trời, doanh nghiệp phải có chi phí đầu tư cao hơn so với lĩnh vực khác. Song thời gian vừa qua, việc định giá để mua điện gió, điện mặt trời lại thấp hơn giá từ điện than, điện chạy dầu diezel. Mặt khác, trong khi mua chưa hết công suất của điện gió, điện mặt trời ở trong nước thì lại đi nhập khẩu điện từ các nước lân cận, gây ra tình trạng bức xúc trong doanh nghiệp lĩnh vực này vì không đảm bảo cái quyền lợi chính đáng. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry không hiểu vì sao lại có những cái bất cập này và cho rằng nếu không kịp thời tháo gỡ, đây cũng chính là điểm nghẽn cản trở cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Vì vậy, đề nghị Chính phủ quan tâm và sớm chỉ đạo các ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ những khó khăn này cho doanh nghiệp, đồng thời cũng để đảm bảo các mục tiêu trong việc thực hiện Quy hoạch điện VIII về phát triển nguồn năng lượng tái tạo phục vụ cho sản xuất điện sớm đi vào cuộc sống.

Vấn đề thứ hai, đại biểu Trần Thị Hoa Ry quan tâm thêm đến lĩnh vực về đời sống xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều đại biểu cũng đã đề cập đến nhiều trong việc chậm trễ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong thời gian vừa qua, qua triển khai giám sát của Quốc hội, Chính phủ cũng đã chỉ đạo và hết sức nỗ lực trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Đặc biệt là trong Công điện 71 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề cập, xác định rõ có 21/42 điều gây khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và có 16 điều hiện nay đang tập trung để sửa Nghị định 27. Ngoài những việc các đại biểu Quốc hội đã đề cập, đại biểu Trần Thị Hoa Ry rất mong Chính phủ quan tâm thêm về những vướng mắc, bất cập trong thời gian qua đã được Thủ tướng chỉ đạo cho các Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ cho địa phương.

Qua giám sát, có một số Bộ, ngành sau khi lý giải, chỉ dẫn lòng vòng lại khẳng định là đề nghị áp dụng theo quy định của pháp luật. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng, vấn đề này nếu mà không có quan tâm, giải quyết một cách thấu đáo thì từ nay đến cuối năm liên quan đến mục tiêu chương trình này cũng rất là khó giải ngân được. 

Liên quan đến việc thực hiện chính sách đồng bào dân tộc thiểu số là khi triển khai thực hiện phân định theo trình độ phát triển theo Quyết định 861 và 612 trên các cơ sở khảo sát về việc thẩm định đối với vùng dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển.

Hội đồng Dân tộc cũng đã kiến nghị cùng với Chính phủ và các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu và cho phép duy trì một số chế độ, chính sách liên quan đến vùng này. Bởi vì theo áp dụng theo chứ chí mới thì những vùng này vẫn còn thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, khi triển khai thực hiện chúng ta đã xét vào năm 2019. Tuy nhiên, mặc dù những kiến nghị này đã trải qua 2 năm, đến bây giờ cũng vẫn chưa có kết quả trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry rất mong Chính phủ quan tâm và xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến lĩnh vực này.