Làng cổ chuyển mình trong quá trình công nghiệp văn hóa

Trên thế giới, tốc độ phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ; là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Hội nghị toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam” đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã cho thấy nhiều kết quả tích cực, sau quá trình công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Từng lớp ngói mũi hài, ngói bò đã tồn tại hàng trăm năm tại Đường Lâm, thị xã Sơn Tây tạo nên nét đẹp đặc trưng của một miền quê Bắc Bộ xưa. Không chỉ mang giá trị lịch sử, giờ đây những mảnh ngói đỏ đã được tô điểm thêm những gam màu mới của sức sống hiện đại, trở thành một phần trong hoạt động du lịch trải nhiệm, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho kinh tế địa phương.

Bên cạnh không gian sáng tạo của Đoài Creative, Đoài Community còn phát triển không gian triển lãm tranh, ảnh, hiện vật và cơ sở lưu trú cho khách du lịch. Bên cạnh đó, lớp truyền nghề mỹ thuật truyền thống của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cũng đem nghệ thuật sơn mài đến gần hơn với các bạn nhỏ. Du khách thập phương giờ đây khi đến với Đường Lâm, không chỉ được đắm mình trong không gian di sản truyền thống, mà còn được trải nghiệm những hoạt động đầy thú vị.

Công nghiệp văn hóa hiệu quả đã giúp Đường Lâm cùng nhiều di sản quý giá khác không bị phai mờ theo dòng chảy thời gian, góp công lớn vào hoạt động quảng bá văn hóa, phát triển du lịch, kinh tế địa phương. Tuy nhiên để bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch có hiệu quả, rất cần sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân để yếu tố cũ - mới được cộng hưởng hài hòa.

Diệu Anh -

Bá Sơn