Kinh tế Trung Quốc bị tác động mạnh bởi các biện pháp phong tỏa

Tại Trung Quốc, các đợt phong tỏa nghiêm ngặt được áp đặt nhằm đối phó với đợt bùng phát đại dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay tại nước này, đã tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo đó, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm 2022 như đã đề ra.

Những tác động của lệnh phong tỏa được áp đặt hồi tháng 4 tại siêu đô thị Thượng Hải, trung tâm sản xuất ô tô Trường Xuân và nhiều nơi khác đã được chứng minh qua các số liệu mới nhất vừa được công bố. Theo các cuộc khảo sát về Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), cả hoạt động sản xuất và dịch vụ đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020. Lượng thành phẩm tồn kho tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 thập niên, trong khi chỉ số xuất khẩu và nhập khẩu giảm mạnh.

Ông LIU YUANCHUN, Phó Hiệu trưởng Đại học Renmin: “Chúng ta đang chứng kiến đợt bùng phát dịch bệnh thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với năm 2020. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy rằng, tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ không kết thúc chỉ trong một hoặc hai ngày, nó sẽ dẫn đến sự thay đổi bối cảnh tài chính quốc tế. Những điều này sẽ tiếp tục tác động đến Trung Quốc trong 2-3 quý tới”.

Với vị thế là nhà sản xuất hàng đầu thế giới, các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc có nguy cơ dẫn tới việc xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và bổ sung thêm một rủi ro khác đối với lạm phát toàn cầu. Trong khi một số tỉnh và thành phố tại Trung Quốc đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế, ngành sản xuất vẫn gặp khó khăn do áp lực về logistics và chuỗi cung ứng.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý II sẽ suy giảm vì các đợt phong tỏa có thể sẽ diễn ra liên tục. 

Đinh Giang