Không vội mở rộng hình thức sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại

Để tháo gỡ điểm nghẽn cho hàng trăm dự án nhà ở thương mại trên cả nước hiện nay, Chính phủ đề xuất sửa đổi điểm C, khoản 1, điều 75 luật đầu tư theo hướng, nhà đầu tư có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở để xây dựng nhà ở thương mại. Nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại, nếu vội vàng thông qua mà không đánh giá tác động kỹ lưỡng, sẽ dẫn tới rất nhiều hệ luỵ không mong muốn.

Các đại biểu nhận định, với việc quy định thêm quyền sử dụng đất khác không phải đất ở sẽ mở rộng diện giao đất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư không thông qua đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất. Điều này có thể dẫn tới hiện tượng trục lợi chính sách, nhà nước sẽ thất thoát một khoản thu lớn.

Ông Ngô Trung Thành - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội: “Nếu sửa đổi cơ hội chuyển đổi dự án rất lớn, giá đất sẽ tăng rất nhiều, khối tài sản tăng lên rất nhiều, đề nghị có đánh giá thị trường bất động sản, đánh giá kỹ lưỡng. Đất khác cơ bản giao có thời hạn, hết thời hạn nguyên tắc là nhà nước được quyền tái sử dụng, như vậy trong trường hợp này có đâú thầu đấu giá, như Thủ Thiêm vừa rồi đấu giá đem lại giá trị lớn, nếu như không thực hiện điều đó mà để chuyển đổi bình thường, nôp theo giá đất bình thường thì không được khai thác tối đa nguồn lực đất đai.”

Tán thành với quan điểm trên, một số ý kiến cũng cho rằng, nếu sửa đổi ngay vào thời điểm này, mà không có đánh giá tác động kỹ lưỡng, dù chỉ là thì điểm thì vẫn đáng lo ngại. Cần thiết có thể tính toán điều chỉnh khi tiến hành việc sửa đổi luật đất đai.

Ông Vũ Tuấn Anh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ: “Khi đã mở, kể cả thí điểm thì chúng ta cũng không thể thu hồi được…cần phải cân nhắc rất kỹ, rà soát kỹ nếu sửa ngay sẽ gây thất thoát rất lớn nếu mà ko qua đấu thầu đấu giá, nhất là với các đô thị lớn sẽ có sự chênh lệch rất lớn…”

Ông Lê Tiến Châu - Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: “Với việc sửa này chúng ta đang quay lại luật nhà ở 2005, với những bất cập mà chúng ta từng thấy….vấn đề quan trọng nhất là nhà đầu tư có trách nhiệm làm 2 việc, thực hiện các thủ tục đầu tư, thứ 2 thực hiện thủ tục tài chính đây là điểm bất cập nhất…nhà đầu tư có thể lách để không đấu giá, đấu thầu…tính đến phương án đưa vào luật sửa đổi đất đai….”

Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư cũng thẳng thắn cho rằng, Chính phủ trình sửa đổi để tháo nghẽn cho các nhà đầu tư, nhưng việc thiết kế điều khoản này cũng chưa thật sự cảm thấy yên tâm và vẫn còn nhiều băn khoăn.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư: “Cởi ra thì tốt thật đấy nhưng cởi như thế nào? Chúng tôi rất mong là các đại biểu Quốc hội, nhất là các đồng chí trong hệ thống pháp luật giúp. Đã thiết kế rồi nhưng chúng tôi cũng chưa thực sự yên tâm. Công cụ nào để chúng ta giám sát? Công cụ nào để khi chúng ta cho chuyển không bị lợi dụng, Nhà nước ko mất đi các nguồn lưc mà đáng nhẽ một phần thuộc Nhà nước hoặc người dân”

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là dự án Luật khó, phức tạp, chưa có tiền lệ mà Quốc hội lần đầu cho ý kiến, các nội dung chính sách đều có tác động lớn đến kinh tế, xã hội nước ta trong thời gian tới. Do đó, không chỉ riêng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật đầu tư mà cả 7 luật còn lại, dù xem xét theo quy trình rút gọn nhưng cần phải đảm bảo chặt chẽ, khả thi. Các nội dung sửa đổi cần bám sát tinh thần phân cấp, phân quyền gắn liền với thanh tra, kiểm tra, gắn trách nhiệm với người đứng đầu trong triển khai thực hiện. Cần thiết khơi thông các nguồn lực nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp; tạo sự minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực./.