Không sử dụng văn bản trong sách giáo khoa để ra đề thi môn Ngữ văn, chấm dứt tình trạng "học tủ"

Thời gian gần đây, chủ đề đổi mới cách kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Một trong số đó là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giáo viên tránh sử dụng văn bản trong sách giáo khoa làm ngữ liệu ra đề thi môn Ngữ văn từ năm học tới, nhằm giảm tình trạng đọc chép văn mẫu hay học thuộc lòng.

Một tài khoản mạng xã hội đoán trúng ngữ liệu được dùng trong đề thi Ngữ văn 3 năm liên tiếp làm dấy lên nghi vấn lộ đề thi. Ngay sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát, khẳng định không lộ đề. Bản thân các em học sinh cũng cho rằng đây không phải chuyện gian lận, vì các văn bản được sử dụng làm ngữ liệu thi có giới hạn, việc tính xác suất và đoán đề đã diễn ra thường xuyên với cả sĩ tử và cộng đồng.

Em ĐỖ GIANG LY, học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Phú, Hà Nội: “Em thì cho rằng chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên thôi vì năm nào mọi người cũng đoán, không phải đoán mỗi tác phẩm đó mà nhiều tác phẩm khác nên em nghĩ không phải lộ đề.”

Việc đề thi có khả năng rơi vào lối mòn, dễ dàng đoán được cũng phần nào tác động tiêu cực đến cách học sinh học môn Ngữ văn. Điều này được kì vọng sẽ thay đổi khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

PGS.TS NGUYỄN XUÂN THÀNH, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT: “Trong chương trình mới, sách không còn là pháp lệnh như trước đây, cái gì trong đó y án mà dạy. Bây giờ học sinh có thể học nhiều sách giáo khoa, học văn bản trong sách 1, sách 2, nhưng văn bản thi phải là cái thứ 3, thứ 4, cái ngoài chương trình thì mới đáp ứng được việc nâng cao trình độ người học”.

Việc đổi mới này không chỉ áp dụng trong những kì thi lớn như tốt nghiệp THPT, mà cần thay đổi ngay từ những đợt kiểm tra đánh giá trong quá trình học.

TS VŨ THU HƯƠNG, chuyên gia giáo dục: “Khi các em vận dụng kĩ năng ngữ văn trong cuộc sống thì chắc chắn phải sử dụng với văn bản khác chứ không phải văn bản các em đã học. Khi mà các em không thể vận dụng các kĩ năng như là kĩ năng viết văn hay kĩ năng sử dụng từ trong các văn bản khác thì chắc chắn là năng lực ngữ văn của các em có vấn đề. Vì vậy, việc kiểm tra bằng văn bản ngoài chương trình là việc nên làm”

Tuy nhiên, việc tìm tòi ngữ liệu phù hợp, sử dụng văn bản hợp lý với trình độ của học sinh cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn từ phía giáo viên

TS TẠ NGỌC TRÍ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT: “Khi đi dạy phải căn chỉnh theo trình độ người học, nếu các em chưa hiểu thì phải giảm độ khó đi, còn nếu hiểu rất nhanh thì phải tìm thêm tư liệu bên ngoài. Cho nên, cái này đòi hỏi người thầy phải tìm hiểu chứ đôi khi sách giáo khoa là không đủ”.

Một trong những đổi mới đáng chú ý trong cách kiểm tra đánh giá ngữ văn là giáo viên có thể sử dụng hình thức trắc nghiệm kết hợp tự luận. Đây không phải điều bắt buộc, nhưng việc có thêm những lựa chọn kiểm tra mới cũng góp phần giúp giáo viên năng động, sáng tạo hơn trong cách kiểm tra, nhất là kiểm tra khả năng đọc hiểu; góp phần thúc đẩy môn Ngữ văn thực sự là một môn học của sự sáng tạo với cả người học và người dạy. 

Sỹ Cường