'Không cơ quan báo chí nào có sứ mệnh giám sát và phản biện chuyên biệt như Truyền hình Quốc hội Việt Nam'

Trong bối cảnh công nghệ truyền thông thay đổi chóng mặt, trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các nền tảng mạng xã hội, nền tảng video trực tuyến (streaming), các cơ quan báo chí đều đang phải nỗ lực xây dựng các chiến lược chuyển đổi số để tồn tại và phát triển.

Trong xu hướng đó, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện Chiến lược phát triển đến năm 2030, hướng tới mục tiêu trở thành cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, kênh truyền hình chính luận hàng đầu Việt Nam. Ngày 31/5, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã tổ chức cuộc hội thảo với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông, Ban Tuyên giáo, Văn phòng Quốc hội và các nhà báo, chuyên gia truyền thông nhiều kinh nghiệm để cùng đóng góp hoàn thiện bản Dự thảo Chiến lược. 

Tại hội thảo, Viện Chiến lược thông tin và Truyền thông trình bày báo cáo về định hướng xây dựng Chiến lược phát triển Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Đánh giá bản dự thảo chiến lược được xây dựng công phu, bài bản, các đại biểu cũng khẳng định tính tất yếu cần có một kênh truyền hình chuyên sâu cho Quốc hội, thực hiện sứ mệnh là cầu nối giữa Quốc hội, đại biểu Quốc hội với cử tri.

Trong xu hướng một bộ phận không nhỏ khán giả đã dịch chuyển từ kênh truyền hình truyền thống lên các nền tảng số, các đại biểu nhất trí với việc Truyền hình Quốc hội Việt Nam chỉ có thể thực hiện được nhiệm vụ chính trị nếu thích nghi được với phương thức sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng.

Bàn về mục tiêu trở thành kênh chính luận hàng đầu, Chủ tịch Hội nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh sứ mệnh chuyên biệt trong giám sát và phản biện của Truyền hình Quốc hội Việt Nam mà không một cơ quan báo chí nào có được. Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nêu đề xuất đưa Truyền hình Quốc hội Việt Nam vào thiết chế giám sát của Quốc hội để lan toả mạnh mẽ vai trò của Quốc hội trong việc giám sát tối cao cũng như thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Nhất trí với chiến lược phát triển Truyền hình Quốc hội Việt Nam hiện đại, toàn diện, mạnh mẽ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà khẳng định, trọng trách của Truyền hình Quốc hội Việt Nam tương đối nặng nề, vừa phải phát triển xứng tầm với nhiệm vụ được giao, vừa phải bắt kịp các xu thế truyền thông hiện đại. Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh ghi nhận những ý kiến đóng góp chất lượng tại hội thảo để tiếp tục hoàn thiện Chiến lược Phát triển Truyền hình Quốc hội Việt Nam trong thời gian tới.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Ngô Trang - Đức Minh