Khó khăn nghề biển

Năm 2022, ngành thủy sản lập kỷ lục xuất khẩu 11 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Năm 2023 tiếp tục được dự báo sẽ tăng trưởng tốt trong lĩnh vực này. Dù vậy, việc đảm bảo nguồn lợi thủy sản ổn định là điều quan trọng, bên cạnh đánh bắt, tái tạo và phát triển nuôi biển là điều cần thiết hiện nay.

Thực tế việc tái tạo, nuôi biển ở nước ta còn nhiều khó khăn. Nghề biển vẫn là nghề nhiều rủi ro. Trước tiên mời quý vị theo dõi ghi nhận một số khó khăn nghề biển thời gian qua.

Ngư dân Thảo ở xã Nghĩa Phú, TP.Quảng Ngãi làm ăn thua lỗ trên biển. 6 năm trước, ông vay 6,2 tỷ đồng theo Nghị định 67 của Chính phủ để đóng tàu cá vỏ gỗ hành nghề nhưng ngư trường cạn kiệt, dịch COVID-19 cộng thêm giá xăng dầu tăng cao nên ông thường xuyên thất thu, không đủ khả năng trả nợ và lãi vay đúng hạn cho ngân hàng. Nợ xấu, bị ngân hàng khởi kiện, kê biên tài sản là những gì xảy ra với gia đình ông. Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều ngư dân ở miền Trung đang phải đối mặt.

Giá dầu diesel hiện nay vượt ngưỡng 20.000 đồng/lít. So với 5 năm trở về trước thì giá dầu diesel tăng gần gấp đôi. Trong khi đó, sản lượng khai thác trên từng chuyến biển thì mỗi ngày mỗi giảm. Theo ngư dân, chi phí nhiên liệu tăng cao đã khiến cho hiệu quả khai thác giảm rõ rệt, thậm chí nhiều phiên biển chịu cảnh thua lỗ.

Thiếu lao động biển, giá hải sản không ổn định, cộng thêm ngư trường khai thác ngày càng khó khăn cũng là những rào cản khiến cho ngư dân không còn ăn nên làm ra trên biển như trước. Nhiều chủ tàu khi đưa tàu vươn khơi đều canh cánh những nỗi lo thua lỗ thường trực.

Cơ cấu lại nghề biển để phát triển bền vững ngành thuỷ sản là mục tiêu được nhiều địa phương có biển đang đặt ra để thực hiện. Trong đó, vấn đề chính sách hỗ trợ, nhất là vốn vay như thế nào cho ngư dân hay việc khai thác phải đi đôi với tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên biển ra sao là những khâu được quan tâm nhằm sớm giúp cho nghề biển của ngư dân thoát khỏi những khó khăn như hiện nay.

Minh Huy