Khi người trẻ tham gia “giữ lửa” văn hoá

Khi cuộc sống ngày càng hội nhập, thế hệ trẻ ngày càng ý thức sâu sắc hơn về văn hóa dân tộc và vùng miền mình sinh sống. Tại Tây Nguyên, những năm gần đây, các nghệ nhân cao tuổi ngày càng nhiều và số lượng nghệ nhân cũng giảm dần. Trong khi nhiều bạn trẻ không mặn mà với nghệ thuật truyền thống thì với không ít người đã nỗ lực góp phần để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Sinh ra trong một gia đình 4 thế hệ đều dệt thổ cẩm, từ nhỏ, H Phê Bê và nhiều bạn nữ trong buôn đã được mẹ và các cô dạy việc sử dụng các sợi chỉ, tạo hoa văn từ dễ đến khó. Đến nay, H Phê Bê đã biết nhiều hoa văn cổ và khéo léo chăm chút dùng từng sợi chỉ để dệt nên các sản phẩm truyền thống của đồng bào mình. Không biết từ khi nào, thổ cẩm đã gắn bó với cuộc sống của cô gái này.

Tại các buôn làng Ê Đê, thông thường, chỉ có nam giới được đánh chiêng. Tuy nhiên, đời sống hiện đại đã cởi mở hơn khi nhiều bạn trẻ là nữ cũng được tham gia. Tại buôn Tuôr, xã Hoà Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, một đội chiêng nữ đã hình thành từ năm 2018. Khi được học đánh chiêng, các cô gái trẻ này rất cần cù, say mê tìm hiểu và học hỏi kỹ năng để đánh chiêng thành thạo để gìn giữ những bài chiêng của dân tộc mình.

Hằng năm, tại tỉnh Đắk Lắk, những lớp truyền dạy về cồng chiêng, múa xoang, dệt thổ cẩm,… và nhiều nét văn hoá… vẫn luôn được tổ chức và duy trì thường xuyên thu hút rất đông bạn trẻ tham gia. Kết thúc mỗi lớp học, thông qua sự trao truyền của nghệ nhân, các bạn đều hiểu và thêm yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Khi những nghệ nhân nắm giữ những nét đẹp văn hoá ngày càng lớn tuổi và ít dần thì rất cần lớp trẻ kế cận, hồi sinh những di sản của dân tộc. Trong đó, thu hút giới trẻ tìm về văn hóa cội nguồn thông qua việc tổ chức các lễ hội truyền thống; tổ chức nhiều hoạt động, lớp học truyền dạy là một trong những cách bảo tồn và phát huy di sản văn hoá hiện nay.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Kim Liên -

Việt Bảo -

Đức Hưng