Khánh Hoà: Giữ gìn và quảng bá Lễ hội Cầu ngư qua các kỳ festival biển

Lễ hội Cầu ngư bắt nguồn từ tục thờ ông Nam Hải của cư dân miền biển nước ta. Trong đó, Khánh Hòa là một trong những địa phương còn gìn giữ, tái hiện được Lễ hội Cầu Ngư trong cộng đồng dân cư với đầy đủ nghi thức truyền thống. Năm 2014, Lễ hội Cầu ngư của ngư dân Khánh Hòa đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Trong khuôn khổ Festival biển Nha Trang- Khánh Hòa 2023, Lễ hội Cầu ngư đã được tái hiện tại công viên bờ biển Nha Trang nhằm giới thiệu nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo của ngư dân vùng biển khu vực duyên hải Nam Trung bộ đến du khách trong và ngoài nước. Lễ hội năm nay có sự tham gia của trên 300 nghệ nhân thuộc 2 phường biển Vĩnh Nguyên và Vĩnh Trường - thành phố Nha Trang.

Theo truyền thống, Lễ hội Cầu ngư được các ngư dân vùng biển Khánh Hòa tổ chức vào ngày 11-12/2 âm lịch hàng năm với các nghi thức gồm cúng tế rước ông Nam Hải trên biển; hò bá trạo; cúng tế tại đình làng; biểu diễn hát tuồng cổ; biểu diễn múa lân, múa rồng và đánh trống hội. Có thể nói, Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa là yếu tố tổng hợp của các hình thức nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian và các trò chơi dân gian.

Lễ hội Cầu ngư - một lễ hội dân gian với nhiều nét đặc thù, hội tụ đủ những giá trị văn hóa và có ý nghĩa to lớn đến đời sống tinh thần cũng như tín ngưỡng của cư dân vùng biển Khánh Hòa. Bảo tồn và phát huy lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa cũng chính là bảo tồn các giá trị văn hóa đã được nhân dân miền biển dày công bồi đắp, giữ gìn qua nhiều thế hệ.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Văn Lệ - Nguyễn Minh