Khẩn trương đào tạo giáo viên cho chương trình mới

Năm học tới thực sự là thách thức với ngành giáo dục khi hàng loạt môn học mới được đưa vào giảng dạy nhưng giáo viên lại thiếu trầm trọng. Vì thế nhiệm vụ của các trường Đại học, Cao đẳng Sư phạm rất nặng nề, vì vừa bồi dưỡng lại lực lượng giáo viên hiện có, vừa phải tăng tốc mở mới hoặc chuyển đổi ngành học đáp ứng nhu cầu dạy học chương trình mới, nhất là Âm nhạc và Mỹ thuật.

Vừa tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm nghệ thuật TƯ, cơ hội việc làm đã chào đón Phạm Thị Yến Nhi, bởi ngành sư phạm Mỹ thuật năm nay đang rất thiếu giáo viên cho chương trình mới

Sinh viên PHẠM THỊ YẾN NHI, Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương: “Nhu cầu cơ hội làm việc nhiều nhất là ở Hà Nội mở rộng hơn, THPT cũng đang áp dụng nghệ thuật đó cũng là cơ hội cho bọn em cũng như học sinh cấp 3 định hướng được nghề của mình để đỡ bỏ lỡ cơ hội năng khiếu cũng như ước mơ.”

Năm nay Âm Nhạc và Mỹ thuật bắt đầu được triển khai ở bậc THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về đội ngũ giáo viên lĩnh vực này các trường sư phạm cũng phải cấp tốc đào tạo theo. Thay vì 400 chỉ tiêu cho cả 2 ngành sư phạm Mỹ thuật và Âm nhạc như những năm trước thì năm nay trường đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã tăng chỉ tiêu lên 900.

PGS.TS ĐÀO ĐĂNG PHƯỢNG, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương: “Thống kê trên cả nước Gần như 100% trường đang thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật. Khối lượng ra trường chỉ đáp ứng được phần nào, vì đào tạo không thể đào tạo ồ ạt được ngay vì căn cứ vào năng lực của trường.”

Cùng với nghệ thuật thì thiếu giáo viên dạy tích hợp cũng đang là vấn đề nan giải của các trường THCS hiện nay. Là trường đầu tiên mở ngành đào tạo giáo viên tích hợp Tự nhiên và Lịch sử, Địa lý nhưng cũng phải 2 năm nữa mới có lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp.

PGS. TS. NGUYỄN CHÍ THÀNH, Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục: “Có hợp tác bồi dưỡng THCS cho tỉnh Hương Yên đó là lộ trình tính tới trong lộ trình tích hợp, tuy nhiên còn dựa và tình hình thực tiễn cũng như đơn đặt hàng của Bộ và các tỉnh để có một đội ngũ đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông 2018.”

Dù chương trình ban hành năm 2018, các địa phương đã có ít nhất 3 - 4 năm chuẩn bị nhưng hầu hết các tỉnh đều gặp khó khăn khi thiếu nguồn tuyển giáo viên tin học, tiếng Anh; môn nghệ thuật để phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới..

Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM: “Hiện giáo viên mỹ thuật nhiều trường phản ánh là rất thiếu, và giảng dạy chưa thực chất.”

Dù nỗ lực bằng nhiều giải pháp khác nhau nhưng việc thiếu giáo viên các bộ môn đặc thù khó có thể khắc phục trong 1 sớm, 1 chiều. Nhiều trường THPT đã phải dùng đến giải pháp tình thế là bỏ môn học nghệ thuật ra ngoài phạm vi giảng dạy. 

Phan Hằng