Khai mạc Hội nghị quốc tế về “Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”

Chiều 12/5, tại Hà Nội, đã diễn ra phiên khai mạc toàn thể cấp cao Hội nghị quốc tế về “Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành dự và phát biểu khai mạc hội nghị.

Hội nghị quốc tế về “Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu” diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi thế giới đang hướng tới hưởng ứng ngày Đại dương thế giới 2022 và khẩn trương triển khai các cam kết về khí hậu COP 26.

Với chủ đề chung “Giải pháp cho một nền kinh tế biển bền vững và có khả năng chống chịu với khí hậu”, hội nghị thảo luận các cơ hội chính trong việc thúc đẩy, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, bảo vệ các hệ sinh thái biển với mục tiêu phục hồi kinh tế biển, nâng cao khả năng chống chịu của các cộng đồng và quốc gia dễ bị tổn thương.

Phó Thủ tướng Chính phủ LÊ VĂN THÀNH: "Phát triển kinh tế đại dương bền vững, hạn chế và thích ứng với biến đổi khí hậu là mệnh lệnh của tất cả chúng ta, thể hiện mối quan tâm chung của nhân loại và chỉ có thể đạt được trên cơ sở hợp tác, đoàn kết toàn cầu, tôn trọng chủ quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phù hợp với công ước của  Liên hợp quốc về Luật Biển 1982."

Đại diện Liên hợp quốc (LHQ), đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về đại dương Peter Thomson khẳng định, hội nghị lần này có giá trị rất lớn đối với tiến trình hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, xử lý các vấn đề như giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch, chuyển sang sử dụng nhiều hơn năng lượng tái tạo.

Ngay sau phiên khai mạc đã diễn ra phiên chuyên đề Kinh tế biển – phục hồi và xây dựng lại tốt hơn sau đại dịch Covid-19, vì một nền kinh tế biển bền vững và có khả năng chống chịu với khí hậu. 

Hiện nay, các đại dương trên toàn thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, đánh bắt quá mức và ô nhiễm. Đại dịch Covid-19 cũng đã gây ra những gián đoạn sâu sắc cho nền kinh tế đại dương. Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với các đại dương là ô nhiễm do con người tạo ra. Ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và các hoạt động khác trên đất liền đang đe dọa sinh vật biển và môi trường sống của chúng, tác động nghiêm trọng đến kinh tế và xã hội. 

 Do đó, các đại biểu nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải bảo vệ các đại dương và xây dựng nền kinh tế biển xanh là xu hướng tất yếu hiện nay. 

Giáo sư MANUEL BARANGE - Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO): Mục tiêu của chúng ta là quản lý hiệu quả 100% trữ lượng thủy sản, và đảm bảo sao cho các nguồn lực biển phát triển bền vững, không bị khai thác quá mức, đáp ứng được nhu cầu về hải sản và phân bố một cách công bằng. Do đó, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải chuyển đổi sang nền kinh tế biển xanh.”

Các chuyên gia cảnh báo, nếu không thực hiện các biện pháp thích ứng, mực nước biển dâng sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra bão lụt, khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, gây ra những thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, sinh kế và môi trường sống, đồng thời đe dọa an ninh lương thực do làm gián đoạn nguồn lương thực hệ thống cung cấp và phân phối.

Nền kinh tế đại dương ước tính có giá trị ít nhất 3 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2030, do đó, các đại biểu khuyến nghị, các ngành kinh tế biển cần thực hiện các chiến lược và giải pháp thích ứng để xây dựng tương lai tốt hơn và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu nhằm hạn chế rủi ro đối với phát triển kinh tế và xã hội.

Đức Minh