Khách mời hôm nay: Cao Tự Thanh - học giả Hán Nôm, dịch giả Hoa văn uy tín tại Việt Nam

Với những độc giả yêu mến văn học Trung Quốc, chắc hẳn không xa lạ gì với cái tên Cao Tự Thanh – 1 dịch giả với nhiều đầu sách được yêu mến của các tác giả như Kim Dung, Cổ Long, Bồ Tung Linh…Bên cạnh đó, Cao Tự Thanh cũng là 1 nhà nghiên cứu, viết sách với nhiều công trình đồ sộ.

Cao Tự Thanh, là một nhà nghiên cứu về lịch sử văn hóa, một trong những học giả Hán Nôm, dịch giả Hoa văn uy tín tại Việt Nam.

Cao Tự Thanh, tên thật Cao Văn Dũng. Bao nhiêu năm viết, dịch rất nhiều quyển sách, ông bao sân khá nhiều mảng: sách lịch sử, triết học, y học, văn học cổ, truyện võ hiệp, truyện thiếu nhi… Các tác phẩm dịch được nhiều độc giả đón nhận có thể kể đến như bộ Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh, Quan trường hiện hình ký của Lý Bảo Gia, Anh hùng xạ điêu, Lộc Đỉnh ký của Kim Dung, Đại Đường du hiệp ký của Lương Vũ Sinh, Huyết anh vũ của Cổ Long…

Về sách nghiên cứu, ông cũng có nhiều công trình như Nho giáo ở Gia Định, Văn học Hán Nôm ở Gia Định, Văn học Đàng Trong, Đại Nam Liệt truyện Tiền biên…   

Hai tờ báo chữ Hán ở Nam kỳ đầu thời Pháp thuộc và Tư liệu về Giáo dục Việt Nam là 2 quyển sách mới nhất của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh. 

Nói tới báo chí Việt Nam, nhiều người thường nghĩ tới mảng báo chí Quốc ngữ chứ ít người lưu ý tới mảng báo chữ Pháp và chữ Hán. Trên cơ sở những tư liệu hiện biết tới, quyển sách này giới thiệu hai tờ báo chữ Hán ở Nam kỳ đầu thời Pháp thuộc, tức tờ Gia Định báo và Nam kỳ lục tỉnh báo. Hai tờ báo này hiện chỉ thấy 15 số, trong đó Gia Định báo có 13 số. Nam kỳ lục tỉnh báo có 2 số. Các số báo thường chia làm hai phần là Công văn và Tạp vụ, mỗi phần có thể có nhiều công văn và tin tức, bài viết, tạm gọi chung là tư liệu. Quyển sách này phiên dịch nguyên văn và toàn văn các tư liệu nói trên. 

Từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946 là một chặng quan trọng nhưng vì nhiều lý do vẫn còn hiện ra một cách khá mờ nhạt trong nhiều công trình, giáo trình lịch sử hiện nay ở Việt Nam. Từ Cách mang tháng Tám đến toàn quốc kháng chiến chỉ vẻn vẹn có mười sáu tháng, nhưng đó là một chặng đường đặc biệt quan trọng, trên đó hoạt động giáo dục Việt Nam bắt đầu bước vào một xuất phát điểm khác, thực hiện một quá trình khác. Cuốn sách này tuyển chọn và giới thiệu một số tư liệu về giáo dục được công bố trên báo chí chữ Việt trong giai đoạn trên và một số hiện được lưu giữ chủ yếu trong các hồ sơ thuộc ở Trung tâm lưu giữ Quốc gia III, Cục văn thư và lưu giữ nhà nước.

Mời quý vị cùng theo dõi cuộc trò chuyện của VNNM cùng nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh!

Phương Thảo