Hà Nội: Khuôn viên di tích trở thành bãi xe, chính quyền khẳng định sai quy định nhưng vẫn loay hoay xử lý

Trong những năm qua, tình trạng đình, đền, chùa, di tích lịch sử bị xâm phạm, chiếm dụng để sử dụng làm mục đích cá nhân liên tục xảy ra ở không ít địa phương. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan và hạn chế đến sự phát triển của du lịch.

Đền Sóc, nằm tại ngõ 34 đường Xuân La là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, nhiều năm nay, hơn 2.000 mét vuông diện tích của đền đã biến thành Trung tâm đào tạo Lạc Hồng. Không chỉ trở thành nơi dạy lái xe, ở đây còn biến thành nơi trông giữ các phương tiện cá nhân.

Người dân:Vừa là bãi gửi xe vừa tập; ngay từ đền ra một tí là bãi gửi, bãi tập xe ô tô.”

Người dân:Bình thường mình cũng suy được ra để xe ở đấy là mất tiền rồi.

Vào vai một người có nhu cầu gửi xe qua đêm ở đây, bảo vệ cho biết phải người quen mới được gửi, chi phí là 50.000 đồng/đêm, còn gửi tháng phải trả số tiền là 1.200.000 đồng - 1.500.000 đồng/1 xe tùy vị trí có mái hay không có mái.

Bảo vệ: “Gửi theo tháng là 1,2 triệu đồng/xe để ngoài, không có mái che. Phải là người quen mới gửi được, như tôi giới thiệu là người quen của tôi thì phải biết bạn ở đâu. Cái này tôi phải xin ý kiến giám đốc công ty, mai tôi mới báo được, để ở đây thì yên tâm.”

UBND phường Xuân Tảo xác nhận Trung tâm đào tạo Lạc Hồng đã xây dựng các công trình trên đất thuộc khuôn viên di tích Đền Sóc từ những năm 2001 và có biên bản cho mượn sân bãi của Đại diện ban quản lý di tích Đền Sóc.

Ông NGUYỄN TỰ MẠNH, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội:Đầu tiên phải khẳng định hợp đồng cho mượn này là trái thẩm quyền. Đất thuộc quản lý nhà nước, không thể có chuyện một đơn vị vào đây mượn được. Về mặt pháp lý,, hợp đồng cho mượn này không đúng quy định pháp luật.”

Đền Sóc là di tích có nhiều giá trị đã được Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1991. Việc đại diện Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa Đền Sóc ký cho thuê hoặc cho mượn để Trung tâm đào tạo Lạc Hồng tạm quản lý một phần đất trong khuôn viên là không đúng quy định pháp luật. Bởi theo quy định của Luật Di sản văn hóa, việc sử dụng đất đai của di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Luật sư TRẦN TUẤN ANH, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch: "Trưởng Ban quản lý khu di tích nhân danh cá nhân để ký hợp đồng cho thuê hoặc cho mượn để khai thác di tích rõ ràng là hành vi trái về mặt thẩm quyền. Đối với di tích cấp quốc gia là tài sản quốc gia, mà tài sản quốc gia là tài sản của toàn dân, cộng đồng. Chính vì thế, một cá nhân không thể đứng ra cho thuê hay cho mượn được."

Mặc dù, đại diện lãnh đạo UBND phường Xuân Tảo khẳng định Trung tâm đào Lạc Hồng đang sử dụng đất của Di tích lịch quốc gia Đền Sóc là vi phạm. Tuy nhiên, UBND phường lại không đủ thẩm quyền để cưỡng chế mà vẫn phải chờ quyết định từ thành phố mới xử lý được. Sự việc “mượn đất” của di tích lịch sử đã diễn ra lâu năm nhưng chính quyền cơ sở vẫn loay hoay trong việc xử lý dứt điểm tình trạng này.

Minh Chiến