Hà Nội hoàn tất chi trả hỗ trợ nghệ nhân gìn giữ, trao truyền di sản

Ngành Văn hóa Thủ đô vừa hoàn tất việc chi trả kinh phí đãi ngộ cho 14 nghệ nhân nhân dân và 101 nghệ nhân ưu tú đủ điều kiện theo Nghị quyết số 23 của HĐND thành phố Hà Nội quy định Chế độ đãi ngộ, hỗ trợ “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đây là giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ những “báu vật nhân văn sống” tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trên hành trình bảo vệ, trao truyền, quảng bá di sản Thăng Long - Hà Nội.

Là những nghệ nhân ưu tú được nhận kinh phí đãi ngộ từ thành phố dành cho những cống hiến không mệt mỏi của mình trong việc gìn giữ, trao truyền nghệ thuật âm nhạc truyền thống, nghệ nhân ưu tú Trần Hữu Cạnh không giấu nổi niềm tự hào, hãnh diện trước sự quan tâm của thành phố. Bởi đó chính là những ghi nhận mang ý nghĩa sâu sắc về tinh thần giúp các nghệ nhân thêm động lực tiếp tục hoạt động lưu giữ, trao truyền di sản phi vật thể của thủ đô.  
 
Từ chục năm trước đây, ca nương Phạm Thị Huệ đã tha thiết mong muốn có được những trợ cấp ưu đãi dành cho các nghệ nhân, bởi cá nhân chị có công việc và thu nhập khá ổn định, nhưng nhìn thấy những nghệ nhân quanh mình- họ đều đã 70-80 tuổi rồi, có quá trình cống hiến rất lâu. Nếu có sự quan tâm, họ sẽ được động viên để truyền nghề cho các thế hệ sau.

Ở tuổi 96 Nghệ nhân Nhân dân Ngô Văn Đảm vẫn vô cùng tâm huyết với tiếng đàn, giọng ca; ông thông thạo đàn bầu, đàn đáy, đàn nhị, đàn nguyệt và có vốn hiểu biết sâu sắc về ca trù, chèo, xẩm, quan họ, chầu văn, ông được giới trong nghề đánh giá là “kho tư liệu sống” của âm nhạc dân tộc, ông cũng là cây đại thụ có tâm huyết đào tạo ra bao lớp học trò tài năng sau này.

Những ghi nhận và hỗ trợ của Hà Nội là niềm động lực lớn để nghệ nhân Ngô Văn Đảm cùng các học trò của mình nỗ lực và kiên trì trên con đường lưu giữ văn hóa.
 
Nghị quyết số 23 của HĐND thành phố Hà Nội được coi là bước đột phá trong chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân, nghệ sĩ, góp phần nâng cao năng lực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể từ cấp cơ sở.

Theo đó, cùng với việc hỗ trợ kinh phí đãi ngộ một lần từ 30 đến 40 triệu đồng cho nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân, các nghệ nhân còn được hỗ trợ kinh phí theo từng buổi truyền dạy với mức từ 300 đến 500 nghìn đồng/người…

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Linh chi