Gói hỗ trợ lãi suất: Sau 4 tháng, chỉ có gần 600 doanh nghiệp được tiếp cận

Thảo luận về kinh tế xã hội và ngân sách năm 2022, kế hoạch năm 2023, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay bằng các hình thức đa dạng hoá các quỹ tài chính ngoài hệ thống ngân hàng bởi số lượng doanh nghiệp tiếp cận được vốn quá ít.

Đề cập đến gói hỗ trợ lãi suất 2%, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nêu dẫn chứng : Sau gần 4 tháng triển khai, con số cho vay mới đạt gần 4.500 tỷ đồng với gần 600 khách hàng. Tỉnh Quảng Bình mới chỉ có một doanh nghiệp được tiếp cận với 500 triệu đồng. Đây là con số quá thấp đối với kỳ vọng đặt ra của Nghị quyết 43.

Bà NGUYỄN MINH TÂM, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: “Đề nghị Chính phủ nghiên cứu để tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai Nghị quyết cụ thể, huy động các tổ chức tài chính vi mô, mở rộng đối tượng cho vay đa lĩnh vực hơn, hỗ trợ lãi suất cả đồng ngoại tệ cho những doanh nghiệp xuất khẩu…"

Ông NGUYỄN ĐẠI THẮNG, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên: “Đề nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp để hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy nhanh việc cấp bù lãi suất nhằm thúc đẩy các ngân hàng mở rộng quy mô vốn vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt chú trọng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu, kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính thuế đến hết năm 2023, cùng với đó doanh nghiệp phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước".

Các đại biểu cho rằng, nếu không có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì hiệu quả của gói hỗ trợ chính sách tài khoá và tiền tệ theo Nghị quyết 43 sẽ không phát huy nhiều tác dụng cho sự phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2023.