Góc nhìn hôm nay: Vì sao Hà Nội chưa quyết chế độ hỗ trợ cho nhân viên y tế?

Làn sóng nhân viên y tế ở bệnh viện công ồ ạt nghỉ việc sau dịch Covid-19 là bài toán thách thức buộc ngành Y tế phải đối mặt.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, dịch sốt xuất huyết, chân tay miệng đang ở kỳ cao điểm, cùng với đó là tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đang xuất hiện tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh.. đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân, cần được các ngành, các cấp và địa phương quan tâm, khẩn trương vào cuộc, kịp thời xử lý, khắc phục. Một trong những giải pháp được nêu ra là sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56 năm 2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Thế nhưng với Hà Nội, địa phương đứng thứ 2 trên cả nước về số lượng nhân viên y tế nghỉ việc trong thời gian qua lại rút dự thảo Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ cho y, bác sĩ và nhân viên y tế ra khỏi chương trình Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân thành phố, diễn ra từ ngày 05-08/7. Vì sao lại như vậy? 

GẦN 900 NHÂN VIÊN Y TẾ HÀ NỘI NGHỈ VIỆC VÀ CHUYỂN CÔNG TÁC

Gần 900 nhân viên y tế tại Hà Nội xin nghỉ việc, chuyển công tác trong 18 tháng qua khiến ngành y tế thủ đô thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh. Theo đó, trong năm 2021, toàn ngành y tế có 532 người xin nghỉ việc, 82 người xin chuyển công tác. Trong 4 tháng đầu năm nay, con số tương tự là 226 và 17.
Nguyên nhân của tình trạng này được lý giải là do ngành y tế thành phố đã dồn mọi nguồn lực phòng chống dịch trong gần 2 năm qua, số lượng nhân viên y tế còn thiếu, song phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, làm thêm ngoài giờ không kể ngày đêm. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ và mức thu nhập còn hạn chế so với các doanh nghiệp, các đơn vị y tế ngoài công lập hoặc cơ sở y tế thuộc các Bộ, ngành nên nhiều nhân viên y tế xin nghỉ hoặc chuyển công tác về nơi có mức thu nhập cao hơn.

Trước thực trạng y bác sĩ nghỉ việc hoặc chuyển công tác, nếu không có chế độ hỗ trợ nhân viên y tế kịp thời, sẽ không bảo đảm nhân lực để phòng chống dịch.

Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản trình UBND TP về việc đề nghị xây dựng, ban hành Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ cho các y, bác sĩ và nhân viên y tế. Đây là giải pháp cơ bản, lâu dài nhằm giữ chân nhân viên y tế; tri ân, khích lệ, động viên đội ngũ này, từ đó nâng cao năng lực của cơ sở khám chữa bệnh.

Tuy nhiên Nghị quyết này chưa được trình tại Kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố Hà Nội như dự kiến với lý do đây là vấn đề trên rất quan trọng, cần phải được rà soát kỹ, cần rà soát, cân đối nguồn lực, thời gian thực hiện nghị quyết, nhằm bảo đảm sau khi nghị quyết ban hành tạo dư luận tốt, đi vào cuộc sống, động viên thực chất các y, bác sĩ.

Chúng tôi cũng tán thành với ý kiến cho rằng chế độ hỗ trợ cho các y, bác sĩ và nhân viên y tế là vấn đề quan trọng, cần cần rà soát, cân đối nguồn lực, nhưng sau 2 năm đại dịch Covid-19 vừa qua, đội ngũ nhân viên y tế phải gánh vác các công việc nặng nề, vất vả không quản ngày đêm, mà tới nay chế độ phụ cấp vẫn chưa được thanh toán, chưa có cơ chế hỗ trợ kịp thời sẽ khiến họ không còn động lực để tiếp tục làm việc, cống hiến. Đây cũng có thể là giọt nước làm tràn ly. 

CẦN CHÍNH SÁCH PHÙ HỢP ĐỂ GIẢI BÀI TOÁN NHÂN LỰC CHO NGÀNH Y TẾ

Trong 18 tháng qua có tới gần 10.000 nhân viên y tế nghỉ việc, tỷ lệ cao nhất ở TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, song lý do chủ yếu là thu nhập thấp, chế độ phụ cấp chưa đáp ứng nhu cầu sống, đặc biệt tại đơn vị y tế dự phòng và y tế cơ sở. Áp lực và cường độ công việc tăng vọt khi dịch Covid-19 bùng phát; môi trường làm việc có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí nguy hiểm tính mạng… Trong các cuộc tiếp xúc cử tri đại diện cho công chức, viên chức, lao động trong lĩnh vực y tế theo chuyên đề, đã có rất nhiều cử tri phản ánh và kiến nghị những khó khăn bất cập và bày tỏ nguyện vọng sớm có định hướng chính sách cụ thể đối với nhân viên y tế cũng như hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Hệ lụy của "làn sóng" nhân viên y tế rời bỏ bệnh viện công là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao tại các bệnh viện công lập, cá nhân các nhân viên y tế  cũng thiệt thòi vì mất cơ hội học tập, phát triển ở bệnh viện công, khi thiếu hụt nhân viên y tế, chất lượng chăm sóc người bệnh chắc chắn sẽ không bảo đảm. Giám đốc một bệnh viện đầu ngành chia sẻ: Các bệnh viện lớn như Bệnh viện Việt - Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy… là cái nôi đào tạo nhân lực ngành Y. Nhưng khi các thầy giỏi lại chuyển sang bệnh viện tư thì các em sinh viên, các bác sĩ nội trú sẽ không có ai để theo học. Như vậy, chúng ta sẽ mất đi một vài thế hệ kế cận. Vậy đâu là giải pháp để thu hút, giữ chân các y, bác sỹ và nhân viên y tế? Chúng ta cùng theo dõi ý kiến của ông NGUYỄN HOÀNG LONG, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế.

Xin mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chương trình!