Góc nhìn hôm nay: Lãng phí trụ sở và tài sản công sau khi sáp nhập

Nhiều nơi thiếu trụ sở làm việc, nhưng ở nhiều huyện, xã lại dư thừa. Nhiều công trình nhà ủy ban nhân dân xã, hội trường, trạm y tế xã và cả nhà văn hoá xã còn rất mới, được xây dựng ở những khu đất đắc địa, nhưng đều bị đóng cửa bỏ không cỏ mọc um tùm, thậm chí thành nơi chăn thả trâu bò, gây lãng phí lớn.

BÁN ĐẤU GIÁ TRỤ SỞ BỎ HOANG

Xã Yên Nội sau khi sáp nhập cùng với xã Thanh Xá và Hoàng Cương cũ để thành xã mới Hoàng Cương (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ), trụ sở bỏ không hơn 1 năm qua, mặc dù mới xây dựng năm 2018. Sự xuống cấp, hoang tàn đập vào mắt bất cứ ai. Ngay sau khi sáp nhập 3 xã thành 1, lãnh đạo xã Hoàng Cương mới đã cố gắng trích phần kinh phí để thuê người dân 2 triệu đồng/tháng trông coi 2 trụ sở xã cũ không sử dụng đến, nhưng đến nay đành bỏ cuộc vì không kham được nữa.

Ông PHẠM ĐỨC DŨNG, Chủ tịch UBND xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ: “Chúng tôi có 2 trụ sở của xã Yên Nội và Hoàng Cương cũ sau khi sáp nhập đã để không. Trong giai đoạn chờ tỉnh có hướng xử lý, xã đã bố trí lực lượng canh gác và thường xuyên vệ sinh để giữ gìn cơ sở vật chất được xây dựng từ trước. Chúng tôi mong huyện và tỉnh có hướng xử lý sớm để đỡ lãng phí cơ sở vật chất xây dựng từ trước.”

Cũng tương tự là xã Hanh Cù mới,được hình thành từ sự sáp nhập 3 xã: Hanh Cù (cũ), Yển Khê và Thanh Vân, hiện cũng đang dư thừa 2 trụ sở, trong đó trụ sở UBND xã Yển Khê cũ xây dựng cách đây chưa lâu, nhưng bỏ lãng phí nhiều tháng nay. Chứng kiến nhiều tài sản, trụ sở làm việc sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bị bỏ hoang tại huyện Cẩm Khê, nhiều người dân không khỏi xót xa.

Bà CHU THỊ LUYỆN, người dân xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ: “Lãng phí như thế này, dù là của nhà nước nhưng cũng coi như của chúng tôi, phải có sự đóng góp mọi mặt, nên chúng tôi thấy rất xót xa.”

Ông LÊ HỒNG THUẬN, Chủ tịch UBND xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ: “Đối với Thanh Vân, thời điểm 2020-2021 là dịch bệnh nên trụ sở xã Thanh Vân bố trí làm nơi điều trị F0. Trụ sở và hội trường của Yển Khê cũ hiện vẫn được tận dụng để triển khai họp Đảng bộ và triển khai các nhiệm vụ của địa phương. Sau khi được nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng hội trường mới, toàn bộ đã trở về đó học tập. Còn các việc khác thì đề nghị các cấp xử lý để có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng.”

Trong khi đó, trụ sở xã mới thường là của một xã cũ đang dùng, khá chật hẹp. Cần phải xây dựng thêm cho bộ máy sau sáp nhập có chỗ làm việc, nhưng kinh phí thiếu, công trình phải dừng lại. Khó khăn lại càng thêm khó.

Sau sáp nhập xã, những công trình cũ đang bị xuống cấp và rất có thể không tái sử dụng. Đây là những khu đất có vị trí đẹp, thuận lợi giao thông. Nhiều công trình nhà UBND xã, hội trường, trạm y tế xã và cả nhà văn hoá xã còn rất mới nhưng đều bị đóng cửa bỏ không, vì không thuận tiện cho công chức và người dân.  

Ông LÊ HỒNG THUẬN, Chủ tịch UBND xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ: “Trên thực tế Thanh Vân là xã của huyện miền núi Thanh Ba, với diện tích tự nhiên là 17,4 km2, từ xã Thanh Vân và Yển Khê cũ đi vào xã Hanh Cù mới sáp nhập khoảng 3km, nên thời gian để giải quyết công việc ở 2 điểm kia sẽ khó khăn về thời gian và vất vả cho công tác giải quyết công việc của công dân.”

Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, nhiều trụ sở, tài sản công trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn chưa được xử lý. Trong khi chờ giải quyết, khối lượng tài sản lớn của Nhà nước đang có nguy cơ xuống cấp, hư hỏng.

Ông PHẠM ĐỨC DŨNG, Chủ tịch UBND xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ: “Trụ sở các xã đều do tỉnh quản lý và cấp sổ đỏ nên thẩm quyền thuộc UBND tỉnh. Phía địa phương chúng tôi được giao trách nhiệm trông coi, bảo quản và giữ nguyên hiện trạng như trước khi sáp nhập trong thời gian đợi xử lý của tỉnh”.

Ông NGUYỄN THÀNH NAM, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ: “Việc sáp nhập mới diễn ra năm 2020 do đó cần có thời gian nghiên cứu. Hiện tỉnh Phú Thọ chỉ đạo, tất cả các huyện, xã, phường có tài sản dôi dư sau sáp nhập phải xây dựng các phương án sử dụng làm sao cho hiệu quả nhất. Quan điểm của tỉnh Phú Thọ là làm sao đảm bảo các khu đất tập trung nhằm vào mục tiêu phát triển kinh tế của các địa phương.”

Đối với trường hợp trụ sở dôi dư không còn nhu cầu sử dụng, cần xem xét hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy vậy, nên tính đến phương án chuyển cho một cơ quan, đơn vị nào đó trong hệ thống Nhà nước, thay vì thanh lý với giá rẻ và để tư nhân trục lợi.

Không chỉ các tỉnh miền núi như Phú Thọ, Cao Bằng, Hòa Bình, ngay tại các địa phương đô thị lớn gần với Hà Nội, như Hải Dương, Hải Phòng ... cũng đang dư thừa và lãng phí trụ sở xã, tài sản công sau sáp nhập. Nghĩa là dù nhiều hay ít, câu chuyện này hầu như đều xuất hiện ở 45 địa phương thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, từ ngày 1/4/2020, toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Tây Trà được sáp nhập vào huyện Trà Bồng, kéo theo hàng chục trụ sở công quyền bỏ không, do cán bộ, công chức đã chuyển về nơi làm việc mới. Sau sáp nhập, nhiều trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị vẫn chưa được sắp xếp, bố trí lại. Một số lượng lớn tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng, đang xuống cấp, hư hỏng từng ngày.

CHƯA XỬ LÝ ĐƯỢC TRỤ SỞ NHÀ NƯỚC BỎ HOANG 

Phóng viên NGUYỄN HÙNG: “Sau hơn hai năm sáp nhập các đơn vị hành chính của huyện Tây Trà cũ về với huyện Trà Bồng, đến nay chỉ có trụ sở của Huyện ủy Tây Trà cũ và trụ sở của mặt trận và các hội đoàn thể là bàn giao cho xã Trà Phong, còn lại hơn 12 trụ sở đơn vị hành chính vẫn đang bị bỏ hoang và xuống cấp.”

Bong tróc, ẩm mốc, xập xệ, bàn ghế ngổn ngang, thiết bị hư hỏng là tình trạng chung của nhiều trụ sở cơ quan đơn vị tại đây. Cá biệt, trụ sở Công an xã Trà Phong được xây mới nhưng không sử dụng. Sau khi sáp nhập, toàn bộ tài sản của huyện Tây Trà được bàn giao cho huyện Trà Bồng quản lý; gồm hàng chục khu nhà công vụ với tổng diện tích đất sử dụng hơn 589.000m2, trị giá hơn 516 tỷ đồng, chưa kể 12 ô tô, máy móc thiết bị hơn 72 tỷ đồng.

Ông TRƯƠNG NGỌC THANH, Chủ tịch UBND xã Trà Phong, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi: “Khối tài sản còn rất nhiều, nhất là nhà cửa, thuộc thẩm quyền của huyện của tỉnh, xã thì được giao trụ sở Huyện ủy cũ để làm cơ sở làm việc. Huyện đội, công an, viện kiểm sát tòa án bỏ hoang, rất lãng phí, không có người ở thì nhanh xuống cấp.”

Lãnh đạo huyện Trà Bồng cho biết, đang lên phương án chuyển giao hai cơ sở nhà đất cho xã Trà Phong, đồng thời chuyển một số cho ngành giáo dục để bố trí nơi làm việc, nơi ở cho giáo viên của các trường tại địa bàn xã, đồng thời tiếp tục tiến hành bán đấu giá 3 cơ sở. Vướng mắc lớn nhất là xử lý trụ sở của các cơ quan đơn vị ngành dọc đóng trên địa bàn.

Ông ĐỖ ĐÌNH PHƯƠNG, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi: “Tài sản trực thuộc UBND huyện quản lý thì huyện đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản công này. Đối với nhóm tài sản thuộc cơ quan ngành dọc, huyện đã có ý kiến với các cơ quan ngành dọc, phải sớm xử lý, nếu không sẽ nhanh hư hỏng xuống cấp, gây lãng phí khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã theo chủ trương chung của Chính phủ.”

Sở Tài chính Quảng Ngãi cũng cho biết, khó khăn lớn nhất là xử lý tài sản đất đai. Trong đó, phương án bán đấu giá mất nhiều thời gian vì phải theo quy trình, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đối với tài sản công của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn cũng chưa có hướng xử lý.

Ông PHẠM HỮU THỊNH, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi: “Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh để làm việc với cục thuế, kho bạc để chuyển giao tài sản cho địa phương quản lý. Hiện đang chờ quyết định của Bộ Tài chính để chuyển giao, làm sao tài sản công mang hiệu quả cao nhất, tránh lãng phí.”

Phương án chuyển giao, đấu giá trụ sở, tài sản công gắn liền trên đất cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu hoặc khai thác hợp lý cần được sớm triển khai, khắc phục khó khăn khách quan do vị trí địa lý không thuận lợi, sớm giải quyết được tình trạng bỏ hoang, hư hỏng, xuống cấp dẫn tới lãng phí của khối tài sản công hàng trăm tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết 819 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cho đến thời điểm hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính về nhân sự, ổn định tổ chức. Kể cả những địa phương phải sáp nhập 3 xã cũ liền kề, thành một xã mới đủ tiêu chuẩn về diện tích và dân số.

Tuy nhiên, việc sáp nhập đã phát sinh những vướng mắc như đề cập: dôi dư trụ sở xã và các tài sản liên quan. Có những địa phương đành phải để không trụ sở xã hoặc thuê người dân trông coi, vì không thể sử dụng cho hoạt động giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính liên thông, khi các trụ sở cũ cách xa 3-5 km. Trong khi đó, trụ sở sau sáp nhập xã lại không đủ chỗ làm việc, buộc phải đầu tư xây dựng thêm. Đây cũng là sự lãng phí đầu tư công lớn.  

Giải quyết để trụ sở hay tài sản công sau sáp nhập để không bị lãng phí, bỏ hoang đang gây đau đầu các địa phương.

ĐẤU GIÁ, BÁN THANH LÝ TRỤ SỞ

Muốn chuyển đổi công năng hay đấu giá bán tài sản, việc đầu tiên là phải tham khảo ý kiến người dân về mục đích chuyển đổi tài sản dư thừa này. Khảo sát từ thực tế và bài bản, khi xây dựng phương án xử lý tài sản dôi dư theo tinh thần công khai, minh bạch, đúng pháp luật, không để thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước và không phải cứ ngồi ở phòng làm việc, để lên các phương án xử lý và báo cáo cho có.

Theo Bộ Tài chính, việc sắp xếp, xử lý tài sản sau sáp nhập, đã được Chính phủ giao UBND cấp tỉnh hướng dẫn thực hiện, nên các địa phương chủ động thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn. Đây là cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương lập phương án và tổ chức xử lý tài sản sau khi sắp xếp lại, thay vì mỗi nơi sáng kiến một kiểu; hoặc, sau khi đấu giá, bán đi, khi cần thì mất không gian hay diện tích đất đai đắc địa.