Góc nhìn hôm nay: Không để cảnh sát cơ động thiếu thao trường huấn luyện

Sáng 26/5, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Cảnh sát cơ động và theo dự kiến, sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 3 này. Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang chiến đấu tập trung, sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu; được trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật đặc chủng, hiện đại. Nhưng thực tế các đơn vị cảnh sát cơ động lại phải đi thuê, đi mượn thao trường huấn luyện, doanh trại.

Các nước đều có lực lượng đặc nhiệm chuyên biệt này như Al-pha, Del-ta…để chống bạo loạn, khủng bố, bắt cóc, giải cứu con tin… và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Việc xây dựng Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết, tạo hành lang pháp lý để lực lượng này thực hiện tốt nhiệm vụ.  4 nội dung của Dự thảo luật gồm: chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ phối hợp của Cảnh sát cơ động, cơ bản đều đã được 299 ý kiến phân tích, góp ý tại Kỳ họp thứ 2. 

Cảnh sát Cơ động có nhiệm vụ, quyền hạn “Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, pháp luật, nghiệp vụ; xây dựng, diễn tập các phương án tác chiến, phương án tuần tra, bảo vệ mục tiêu theo chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động”. Nhưng, qua thực tế tại các đơn vị Cảnh sát Cơ động, có thao trường huấn luyện, doanh trại…hầu như còn đi mượn, đi thuê và như vậy sẽ khó mà đảm bảo được yêu cầu này.

THAO TRƯỜNG CÒN ĐI THUÊ, ĐI MƯỢN

Mặc dù đã được Bộ Công an quan tâm đầu tư nhưng phương tiện, thiết bị phục vụ chiến đấu của Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Yên Bái vẫn còn thiếu, chưa hiện đại. Đến nay, lực lượng này vẫn chưa có thao trường huấn luyện, chưa có nhà kho và điều kiện đảm bảo. Công an tỉnh đề nghị Ủy ban Quốc phòng & An ninh báo cáo Quốc hội sớm thông qua Luật CSCĐ, kiến nghị Chính phủ sớm quan tân đầu tư cho lực lượng CSCĐ nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, xây dựng lực lượng CSCĐ tiến thẳng lên hiện đại đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 theo Đề án của Bộ Công an. 

Đại tá ĐẶNG HỒNG ĐỨC, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái: “Luật CSCĐ đang được xem xét ở Quốc hội cần có những quy định đầu từ trang thiết bị, phương tiện chiến đấu cho CSCĐ phải tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025 để khi có tình huống xảy ra để có đủ phương tiện, thiết bị để cơ động nhanh, xử lý tình huống nhanh nhất, đảm bảo an ninh trật tự 1 cách tốt nhất, đồng thời cũng bố trí đủ quân số trước bất cứ tình huống nào có thể xảy ra.”

Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Đông Bắc thuộc Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động, được  thành lập năm 2014, phụ trách 7 tỉnh-thành phố vùng Đông Bắc với địa bàn gần 35.000 km2, khoảng 8,1 triệu dân, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhiều khu vực có nguy cơ bùng phát thành các điểm nóng về an ninh trật tự. Nhiều tổ chức bất hợp pháp, nhiều đối tượng phản động, lôi kéo kích động hàng nghìn người tham gia. Các loại tội phạm buôn bán ma túy, buôn người, chống người thi hành công vụ ngày càng tinh vi và manh động. 

Pháp lệnh Cảnh sát Cơ động quy định đảm bảo quỹ đất và kinh phí để xây dựng doanh trại, thao trường, bãi tập, nhà công vụ, phương tiện hoạt động…tuy nhiên, doanh trại hiện nay của Trung đoàn đang đi thuê, mượn, thường xuyên phải sửa chữa tốn kém và không đáp ứng được yêu cầu và chất lượng của công tác huấn luyện. Đây cũng là tình trạng của Cảnh sát Cơ động trực thuộc Công an tỉnh Quảng Ninh 

Thượng tá PHÙNG TOÀN THẮNG, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Đông Bắc:Trung đoàn Đông Bắc chúng tôi nói riêng cũng như các đơn vị khác nói chung vẫn phải đi thuê, đi mượn để làm doanh trại, phục vụ sinh hoạt và huấn luyện…”

Tại buổi làm việc sáng nay, theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, có nhiều quỹ đất có thể bố trí được doanh trại, thao trường cho các đơn vị Cảnh sát Cơ động trên địa bàn. Vấn đề là Bộ Công an và địa phương phối hợp, đánh giá địa điểm nào phù hợp? Cũng nên quy định rõ trong Dự thảo Luật là căn cứ vào nhu cầu thực tế, để HĐND-UBND tỉnh ra Nghị quyết bố trí quỹ đất. 

Bà NGUYỄN THỊ HẠNH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: Quan điểm của UBND tỉnh chúng tôi là bằng mọi điều kiện cho phép trong cơ chế cho phép để hỗ trợ mặt bằng, hoặc hỗ trợ kinh phí.”

Nghĩa là chính quyền địa phương hoàn toàn ủng hộ việc bố trí quỹ đất và có đủ quỹ đất khoảng 500ha để xây dựng doanh trại, thao trường, nhà ở cho cán bộ-chiến sỹ. Trong quý 1/2022, sẽ xây dựng xong đề án để các lực lượng này xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ sẵn sàng chiến đấu. Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Đông Bắc cũng như Cảnh sát Cơ động thuộc Công an tỉnh Quảng Ninh, cần chủ động đề xuất quy hoạch với lãnh đạo tỉnh. Cũng nên bổ sung thêm nhà ở công vụ bên cạnh nhà ở xã hội cho cán bộ-chiến sỹ Cảnh sát Cơ động yên tâm công tác. 

Trung tướng NGUYỄN MINH ĐỨC, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Không thể để lực lượng mệnh danh Quả đấm thép mà lại không có doanh trại, hay thao trường huấn luyện. Vì vậy, cần quy định cứng trong Dự thảo luật về trách nhiệm của Trung ương, của địa phương một cách cụ thể, chi tiết về biên chế, đầu tư cơ sở.”

Mặc dù là lực lượng tác chiến chống hoạt động phá hoại an ninh, bạo loạn vũ trang, khủng bố, bắt cóc con tin; trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí; giải tán các vụ gây rối, biểu tình trái pháp luật …nhưng cơ chế chính sách đãi ngộ và cơ sở vật chất chưa tương xứng với thực tế chiến đấu. Nhiều đơn vị phải thuê địa điểm để làm doanh trại huấn luyện kỹ năng, chiến thuật. Còn nhà ở cho cán bộ, chiến sỹ...chưa dám bàn đến. 

Thực tế khảo sát các đơn vị Cảnh sát Cơ động từ Tây Bắc, Đông Bắc cho đến Tây Nguyên, đây là tâm tư lớn của cán bộ, chiến sỹ. Chính quyền một số địa phương đã bố trí quỹ đất, nhưng việc xây dựng nhà ở xã hội, nhà công vụ...cần phải tính toán, cân nhắc để không chồng chéo với Luật Đất đai hay Luật Nhà ở. Ngạn ngữ Việt Nam có câu "Có an cư mới lạc nghiệp". Nội dung này đã được đề cập tại phiên thảo luận sáng 26/5/2022.

PHẢI GỠ CHỒNG CHÉO NGÀY TỪ DỰ THẢO LUẬT

Mặc dù không nhiều ý kiến thảo luận về nội dung này của Dự thảo Luật Cảnh sát Cơ động, nhưng đều tập trung vào sự chồng chéo với Luật Đất đai và Luật Nhà ở đã ban hành. Cảnh sát Cơ động phải được tạo điều kiện xây dựng doanh trại, thao trường huấn luyện và nhà ở cho cán bộ, chiến sỹ...là yêu cầu chính đáng. Các địa phương dù có quỹ đất rộng hay hẹp, cũng đồng tình sẽ tạo điều kiện tối đa. Trách nhiệm này của địa phương đã được quy định trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở. Do đó, không cần phải quy định vào Dự thảo Luật Cảnh sát Cơ động nữa.

Ông NGUYỄN THANH HẢI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế: Phối hợp với Bộ Công an quy hoạch quỹ đất phù hợp để xây dựng trụ sở đóng quân, thao trường huấn luyện cho Cảnh sát Cơ động. Đề nghị Ban doạn thảo cũng nghiên cứu quy định này vì tại Khoản 2, Điều 148 của Luật Đất đai cũng đã quy định. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích an ninh quốc phòng, bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.”

Yêu cầu là chính đáng. Chủ trương cũng thống nhất cao, nhằm đảm bảo cơ sở huấn luyện cũng như nơi ăn, ở cho cán bộ-chiến sỹ Cảnh sát cơ động. Vấn đề là cách thiết kế kỹ thuật của Dự thảo Luật cho hợp lý, dễ thực hiện. Các Đại biểu lo ngại cự chồng chéo nội dung này của Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động với 2 Luật đã ban hành, là đúng, vì sẽ khó thuyết phục đại biểu bấm nút.

Ông LƯƠNG VĂN HÙNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi: Đề nghị nghiên cứu bỏ nội dung thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ chiến sỹ CSCĐ, bởi vì việc thực hiện chính sách về nhà ở xã hội đã được quy định cụ thể cho nhóm đối tượng thuộc cơ quan, đơn vị Công an Nhân dân và Quân đội Nhân dân đã bao gồm cả Cảnh sát Cơ động, đã được quy định tại điều 49 Luật Nhà ở.”

Ông DƯƠNG KHẮC MAI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Nông: Trách nhiệm của HĐND - UBND các tỉnh trong việc phát triển nhà ở xã hội và thực hiện chính sách xã hội cho các đối tượng tại địa phương đã được quy định rất cụ thể trong Luật Nhà ở 2014. Do đó, quy định trong Dự thảo Luật chỉ là nhắc lại nhiệm vụ của HĐND và UBND cấp tỉnh một cách không đầy đủ so với Luật Nhà ở có phần khu biệt đối với các đối tượng là Cảnh sát Cơ động, mà không đặt trong tổng thể của chính sách nhà ở về xã hội. Do đó tôi đề nghị nên nghiên cứu và cân nhắc bỏ quy định này để thống nhất thực hiện Luật Nhà ở.”
Nhưng, Ban soạn thảo cũng có cái lý khi đưa điều khoản này vào Dự  thảo Luật, dù có bị chồng chéo với 2 Luật kia. Tham khảo sẽ thấy, những hợp đồng kinh tế của nước ngoài rất chặt chẽ, thậm chí điều khoản phía dưới nhắc lại nội dung của điều khoản vừa viết ở phía trên. Dẫu sao, những vướng mắc này kỹ thuật của Dự thảo Luật này không quá lớn, Ban soạn thảo cần tiếp tục điều chỉnh để thuyết phục được những lăn tăn cuối cùng của Đại biểu.

Cùng là lực lượng vũ trang nhưng Cảnh sát Cơ động chưa được quan tâm về cơ sở vật chất như các doanh trại, thao trường huấn luyện của Quân đội hay Công an. Điều 5 Dự thảo Luật Cảnh sát Cơ động đã quy định Nhà nước xây dựng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ưu tiên nguồn lực phát triển...
Nhưng, thực tế khảo sát từ Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Tây Bắc cho đến Đông Bắc, thậm chí ngay Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Thủ đô đóng quân tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội có một số Tiểu đoàn đóng quân ở Hà Nam đã hết hạn thuê mặt bằng, mà vẫn chưa biết tìm địa điểm mới ở đâu để huấn luyện cán bộ, chiến sỹ. Có Báo cáo khi khảo sát thực tế, nghe mà cứ tưởng như chuyện hài hước, đó là: Chiến sỹ giơ súng lên ngắm bắn, nhưng miệng lại hô “pằng…pằng” minh họa, chỉ vì không có đạn thật!

Chỗ huấn luyện, ăn nghỉ, sinh hoạt và vũ khí-phương tiện công cụ hỗ trợ dành cho Cảnh sát Cơ động còn tạm bợ như vậy, sẽ khó mà đảm bảo chính quy, tinh nhuệ.

KHÔNG THỂ CHÍNH QUY HIỆN ĐẠI VỚI TRANG BỊ THÔ SƠ 

Ông QUẢN MINH CƯỜNG, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Trên thực tế, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước rất quan tâm nhưng lực lượng Cảnh sát cơ động vẫn còn rất thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất, trang bị vũ khí rồi kể cả nhà ở, kể cả thao trường, thậm chí còn những cái những cái tiện nghi, cuộc sống, sinh hoạt cũng như để đáp ứng nhiệm vụ hiện đại thì cũng phải trang bị những công cụ, phương thức hiện đại. Ví dụ như cần phải có máy bay trực thăng trấn áp tội phạm, cơ động nhanh, cần phải có tàu thủy để di động nhanh thì chúng ta mới có thể kịp thời trấn áp được. Mà lực lượng CSCĐ thường phải ở tập trung, ở doanh trại, thao trường, rồi các vũ khí, phương tiện làm sao đáp ứng được tốt nhấtđể thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt vì là lực lượng vũ trang, còn phải sử dụng đến cả những biện pháp, ví dụ như là các đơn vị kỵ binh, các đơn vị chó nghiệp vụ, những đơn vị trực thăng nhảy dù để sử dụng vũ khí để trấn áp. Cho nên đòi hỏi quá trình luyện tập, quá trình thường trực chiến đấu rất là căng thẳng, thường xuyên, liên tục. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng, luật Cảnh sát cơ động lần này đề cập rất nhiều nội dung, nhưng mà theo tôi cũng phải quy định chặt chẽ, rõ ràng, đầy đủ để trang bị phương tiện vật chất và cơ chế đảm bảo hậu cần cho lực lượng Cảnh sát cơ động.”

Ông QUẢN MINH CƯỜNG, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: "Chúng ta được biết, muốn bảo vệ tốt quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội thì ngoài các biện pháp hành chính, chúng ta phải sử dụng đến các biện pháp vũ trang để trấn áp các thế lực thù địch phá hoại từ bên ngoài và cũng như các bọn phản động, phản cách mạng phá hoại từ bên trong.Lực lượng Cảnh sát cơ động là 1 lực lượng vũ trang đặc biệt của Bộ Công an. Họ được sử dụng các biện pháp vũ trang để tuần tra, canh gác, bảo vệ và trấn áp tội phạm mà trước đây thì đã có Pháp lệnh Cảnh sát cơ động rồi, nhưng việc nâng Pháp lệnh lên thành Luật Cảnh sát cơ động là hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay, biệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã chỉ rất rõ, mà xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, hiện đại, trong đó tập trung xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động tiến lên chính quy, hiện đại trước tiên, trước hết, đấy là việc thứ nhất.Nên là từ cái nhu cầu bức xúc, đòi hỏi phải xây dựng luật Cảnh sát cơ động thì mới đảm bảo được đáp ứng nhiệm vụ giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. 

Việc thông qua Luật Cảnh sát Cơ động là cần thiết, khi Pháp lệnh cũ đã không còn phù hợp. Những tiếp thu, chỉnh lý sau khi được các Đại biểu Quốc hội góp ý sẽ hoàn chỉnh Dự thảo Luật. Khi Luật Cảnh sát cơ động được thông qua, sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc cũng như tạo tiền đề để thực hiện Đề án “Hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát Cơ động đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Nhằm mục tiêu xây dựng lực lượng này chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có tổ chức, bộ máy tinh gọn, biên chế hợp lý, trang bị đồng bộ, cơ sở doanh trại phù hợp. Từ đó, mới đủ điều kiện hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật, chủ động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong nước và hợp tác quốc tế... thay vì nỗi lo chưa dứt về "an cư" với hạ tầng cơ sở phục vụ huấn luyện nghiệp vụ, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày vẫn chưa đáp ứng như hiện nay.

Ngọc Dũng