• 1391 lượt xem
  • 07:45 09/03/2022
  • Kinh tế

Góc nhìn hôm nay: Đổi mới tính thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sau 10 năm thuế này... chỉ tăng

Trong bối cảnh giá dầu leo thang, người dân khó khăn, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Bộ Tài chính nên cân nhắc trình thêm phương án với mức giảm mạnh hơn. Mức giảm thuế cao hơn sẽ giúp trợ lực nền kinh tế, đảm bảo đời sống Nhân dân.

Khi mà giá xăng dầu liên tiếp tăng như vũ bão, đe dọa tăng trưởng kinh tế thì mới đây, ngày 3/3, Bộ Tài chính có công văn số 2068 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội xăng dầu, xin ý kiến đối với hồ sơ dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022. Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường từ 500 - 1.000 đồng/lít/kg đối với 6 loại hàng hóa xăng, dầu, mỡ nhờn.

Theo Bộ Tài chính, mức đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội bị nhiều tác động bởi dịch Covid-19 và tình hình giá xăng dầu thế giới đang tăng cao bởi các nền kinh tế đang mở cửa trở lại. Đồng thời, tình hình bất ổn chính trị thế giới đang tăng cao tác động mạnh tới giá xăng dầu thế giới cũng như trong nước.

Xăng dầu thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Thuế Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2012. Tại Luật Thuế Bảo vệ môi trường quy định khung mức thuế bảo vệ môi trường và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể theo các nguyên tắc đã được xác định tại Luật. Từ đó đến nay, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã qua nhiều lần tang và đây là lần đầu tiên sau 10 năm, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được đề xuất giảm đồng loạt. 

GIẢM GẦN 12 TỈ ĐỒNG THU NSNN TỪ VIỆC GIẢM THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Từ 1/1/2012, xăng bắt đầu chịu thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít. Dầu diesel mức thu 500 đồng/lít; dầu hoả, dầu mazút, dầu nhờn mức thu 300 đồng/lít; mỡ nhờn mức thu 300 đồng/kg. Tiếp đó, từ 1/5/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít) và một số mặt hàng xăng dầu khác...

Từ 1/1/2019 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên kịch khung. Theo đó, thuế môi trường với xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, lên kịch khung 4.000 đồng. Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng thuế môi trường... Tỷ lệ thu thuế bảo vệ môi trường nói chung so với tổng thu ngân sách nhà nước đã tăng từ hơn 1% lên hơn 4%.

Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến Giá dầu thế giới vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Trong nước, giá xăng dầu tăng liên tiếp tiệm cận 27.000 đồng/lít. Trước vấn đề này, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 1.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống còn 3.000 đồng/lít. Các loại dầu khác giảm mức 500 đồng/lít. Đây là lần đầu tiên sau 10 năm, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được Bộ Tài chính đề xuất giảm đồng loạt trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục leo thang.

Ông NGUYỄN ĐỨC CHI - Thứ trưởng Bộ Tài chính: “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ đã có văn bản gửi các bộ ngành liên quan để xin ý kiến về dự thảo Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn. Đến nay (3/3/2022), Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam để lấy ý kiến về nội dung tại dự thảo Nghị quyết. Dự kiến, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ thực hiện từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022. Từ ngày 01/01/2023, sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

Về đánh giá tác động của việc giảm thuế,  đại diện Bộ Tài Chính cho rằng: Với sản lượng tiêu thụ xăng dầu năm 2022 giả định tương đương năm 2019 thì, số thu thuế bảo vệ môi trường giảm 14.524 tỉ đồng, tác động giảm thu ngân sách nhà nước gồm cả thuế VAT là 15.976 tỉ đồng, thu ngân sách bình quân 1 tháng giảm 1.331 tỉ đồng. Tính riêng nếu áp dụng chính sách này từ 1-4-2022 thì giảm thu ngân sách khoảng 11.982 tỉ đồng.

GIẢM MẠNH VÀ LINH HOẠT HƠN?

Trước vấn đề này, một số chuyên gia đề xuất, để tạo hiệu ứng lan toả hơn, Bộ Tài chính có thể cân nhắc đến phương án giảm thuế mạnh mẽ và linh hoạt hơn. Đặt trong bối cảnh các doanh nghiệp đã trải qua 2 năm khó khăn vì dịch bệnh, trợ lực về thuế, phí lại càng trở nên quan trọng hơn. Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị mức giảm mạnh mẽ hơn: 2.000 đồng/lít đối với xăng và 1.000 đồng/lít đối với dầu.

Ông ĐẬU ANH TUẤN - Trưởng ban Pháp chế của VCCI: “Trong bối cảnh xăng dầu tăng cao như vậy thì Việt Nam dự báo được hưởng lợi từ giá dầu thô xuất khẩu tăng. Rồi trong 2 tháng đầu năm, thu ngân sách vừa rồi cũng rất tích cực, cho nên chúng tôi cho rằng tương đối khả thi để . Do vậy trong phương án giảm để trình UBTVQH chúng tôi cắt nhắc giảm mạnh mẽ hơn và thời hạn giảm linh hoạt hơn”

Giá xăng dầu luôn biến động theo giá của thị trường thế giới. Do đó, chuyên gia cho rằng, việc giảm thuế bảo vệ môi trường có thể điều chỉnh linh hoạt hơn, không nhất thiết kết thúc vào ngày 31/12 và cân nhắc mức giảm tùy thời điểm.

Ông MẠC QUỐC ANH - Viện trưởng Viện kinh tế và Phát triển doanh nghiệp: “Diễn biến hiện nay vẫn chưa chấm dứt và dự báo của chúng ta vẫn hết sức khó khăn nên việc giảm nên có lộ trình, bây giờ chúng ta giảm 2000 đồng/1 lít nhưng vào 1 thời điểm vẫn gia tăng, giá cả vẫn leo thang thì nên cắt giảm tiếp”

Bên cạnh giải pháp về thuế, việc đảm bảo nguồn cung được coi là yếu tố then chốt để giữ ổn định thị trường xăng dầu. Do những khó khăn về tài chính, nên nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nơi cung ứng khoảng 30-35% thị phần xăng dầu tại Việt Nam buộc phải cắt giảm công suất. Tuy vậy, với việc tăng cường nhập khẩu, Bộ Công thương khẳng định, cơ bản đáp ứng cung xăng dầu trong tháng 3.

Ông ĐỖ THẮNG HẢI - Thứ trưởng Bộ Công thương: “Bộ đã họp với các doanh nghiệp đầu mối, giao 10 thương nhân lớn nhất nhập khẩu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt trong nước. Để đảm bảo từ quý 2/2022 kể cả nhà máy Nghi Sơn không đáp ứng được thì chúng ta vẫn đảm bảo xăng dầu cho sản xuất và người dân".

Bộ Công Thương cũng khẳng định, sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, khâu lưu thông để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ trục lợi, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lí. Cộng đồng doanh nghiệp và người dân kỳ vọng, với những giải pháp quyết liệt và thực tế, thị trường xăng dầu sẽ được kiểm soát ổn định, tạo đà cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Trước sự tăng giá của giá xăng dầu và mong muốn hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đã có những đề xuất về miễn giảm các loại thuế với xăng dầu nhằm giảm giá bán mặt hàng này. Tuy nhiên, TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, đề xuất này cần phải được xem xét, nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng bởi hiện nay bởi so với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung so với các nước( hiện tỷ trọng thuế đối với xăng khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%) cùng với đó hiện Quốc hội, Chính phủ đã và đang triển khai hàng loạt gói kích thích kinh tế mà doanh nghiệp và người dân đều là đối tượng được hưởng lợi.

PGS.TS. ĐINH TRỌNG THỊNH - Chuyên gia kinh tế: “Cách tính giá xăng của Việt Nam tương đồng cách tính của các nước trong khu vực và trên thế giới. Và giá xăng của Việt Nam hiện nay thấp hơn giá trung bình của 160 quốc gia trên thế giới, thấp hơn Lào, Campuchia, Philippines, Trung Quốc và đương nhiên thấp hơn Singapore, Đài Loan hay Hong Kong...Mức hỗ trợ nó cần phải được tính toán 1 cách đầy đủ khi chúng mà ta đi theo định hướng kinh tế thị trường, mong muốn xây dựng thị trường xăng dầu mang tính thị trường thì chúng ta cũng phải dần dần để thị trường xăng dầu nó đi theo đúng quy luật thị trường thì tôi cho rằng cần phải cân nhắc”.

Giá xăng dầu tăng tác động trực tiếp vào giá tiêu dùng. Nên Nhà nước giảm thuế sẽ trực tiếp hỗ trợ đến từng người dân ổn định cuộc sống trong lúc khó khăn.. Bên cạnh đó cuộc xung đột Nga - Ukraine đến ngày 7/3 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và nếu cuộc chiến tiếp tục kéo dài đồng nghĩa với giá xăng dầu và nhiều mặt hàng nữa tăng theo điều này ảnh hưởg trực tiếp đến người dân. Có lẽ việc giảm thuế môi trường là việc làm cần thiết lúc này, giảm thuế sẽ góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ của các mặt hàng xăng, dầu, giảm giá bán và hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản xuất, ổn định lạm phát. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường còn góp phần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước khi giá dầu thô tăng cao, góp phần làm giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiết kiệm chi phí tiêu dùng cho người dân. 

Cũng theo một số chuyên gia kinh tế cần để thị trường xăng dầu ổn định cần  làm rõ và tăng cường trách nhiệm của các đơn vị sản xuất xăng dầu trong nước, các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu, các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung xăng dầu, đồng thời công khai minh bạch với người dân về các biện pháp và chính sách đang triển khai để người dân hiểu và đồng thuận./.