• 1068 lượt xem
  • 06:52 30/07/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Câu chuyện loa phường ở Hà Nội - "Tồn tại hay không tồn tại"

Câu chuyện về chiếc loa phường trở thành câu chuyện thời sự nóng hổi trên các trang mạng xã hội, báo chí truyền thông, sau khi thành phố Hà Nội đưa ra Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến phản biện đã được đưa ra về việc nên hay không nên khôi phục loa phường, có nên bỏ loa phường trong thời đại công nghệ 4.0.

ĐẾN NĂM 2025, 100% XÃ PHƯỜNG SẼ CÓ HỆ THỐNG TRUYỀN THANH ĐẾN TỔ DÂN PHỐ

- 5 năm trước, khi lãnh đạo thành phố Hà Nội thời điểm đó cho rằng "loa phường đã hoàn thành sứ mệnh", thành phố đã tổ chức lấy ý kiến người dân về việc bỏ thiết bị này. 

- Tháng 8/2017, thành phố ban hành Đề án 5133 sắp xếp lại hoạt động của đài truyền thanh xã, phường, thị trấn theo hướng tại các quận chỉ duy trì 5-10 cụm loa (mỗi cụm tối đa 2 loa) và loa phường các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng không phát hàng ngày, chỉ phát khi có thông báo khẩn như thiên tai, dịch bệnh hoặc theo yêu cầu của trung ương, thành phố.

- Tháng 3/2021, Hà Nội điều chỉnh Đề án 5133, không quy định cứng số cụm loa mà giao chính quyền cơ sở tự quyết định phù hợp với điều kiện thực tế; quy định về nội dung, thời gian và thời lượng phát thanh. Nội dung khác được thành phố hướng dẫn tiếp tục thực hiện theo đề án 5133.

- Mới đây nhất, theo Chiến lược thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 của Hà Nội, đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư. 

NGƯỜI DÂN HÀ NỘI VỚI LOA PHƯỜNG

Ngay sau khi thông tin về “khôi phục” loa phường tại Hà Nội được công bố, bên cạnh nhiều ý kiến cho rằng công cụ truyền thông này có vẻ đã lỗi thời và là nỗi ám ảnh tiếng ồn của những hộ dân sống gần cột treo loa, nhiều người dân cũng bày tỏ sự đồng tình khi Hà Nội tiếp tục triển khai loa phường nhưng phát ở khung giờ và thời lượng hợp lý.

Âm thanh loa phường đã cùng với các hộ gia đình ở Hà Nội vượt qua đại dịch Covid-19. Những thông tin mà lúc đó không phải ai cũng biết, cũng nhớ được nhắc lại hằng ngày để ai cũng được tiếp cận. Giờ đây, loa phường cũng giúp bà Hà nắm thông tin về tiêm mũi 4 hay phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Bà CAO THỊ THU HÀ, Phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội: “Vì người dân thì có cả người già trẻ em, không phải ai cũng rành công nghệ, nên việc nghe loa phường giúp nắm được thông tin."

Trước đó, thành phố từng khảo sát ý kiến người dân về việc dừng hoạt động loa phường. Tuy nhiên theo kế hoạch mới, Hà Nội sẽ phủ sóng loa phường trở lại nhằm phổ biến thông tin thiết yếu.

Bà CHU THỊ BAN, Phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội: “Trước đó người dân phản đối vì loa phát không đúng lúc, phát dài, âm lượng không phù hợp, nội dung không cần thiết đôi khi cả ca nhạc. Giờ để loa phường phát lúc cần, ngắn gọn thì sẽ tốt." 

Ông VŨ TUẤN ANH, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội: “Thực hiện chỉ đạo của thành phố thì chúng tôi chỉ phát thanh không quá 20’, thời gian phát thanh theo quy định, sáng từ 7h45-8h, chiều từ 5h15-5 rưỡi.”

Được biết, thành phố Hà Nội cũng đã thực hiện thí điểm về phát thanh không dây trên địa bàn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy. 

LOA PHƯỜNG - GIỮ HAY BỎ?

Từ nhiều thập niên qua, loa phường in đậm dấu trong cuộc sống người dân Hà Nội với những thông báo từ chính quyền như thông báo cắt nước, cắt điện, thông tin họp tổ dân phố, hoặc là tiếng cô phát thanh viên phường đọc vài bản nghị quyết... cũng làm rộn ràng các khu phố. Mỗi tối, "Kể chuyện cảnh giác", "Đọc truyện đêm khuya" truyền dẫn từ Đài Tiếng nói Việt Nam trở thành những kỷ niệm khó phai của lớp dân cư đô thị. Nhưng càng ngày, với sự bùng nổ của Internet và các loại điện thoại, máy tính, tivi hiện đại để người dân được chủ động tiếp cận thông tin, vai trò của loa phường ngày càng mờ nhạt, thậm chí ở nhiều một số thời điểm, nhiều nơi, người dân coi việc phải nghe loa phường là cực hình và ô nhiễm tiếng ồn. Vậy người dân đón nhận thông tin tới đây loa phường sẽ phủ sóng 100% tổ dân phố như thế nào? 

Người dân Hà Nội: “Cập nhật thông tin cũng có thể rất nhiều hình thức khác nhau, có thể trên mạng nghe đài, loa thì thực sự đến thời điểm bây giờ nó k thực sự hữu ích.” 

Người dân Hà Nội: “Thực sự thiếu nó cũng một phần nhớ nhớ.”

Người dân Hà Nội: “Tôi nghĩ dùng loa phường cập nhật tin tức rất là tốt.”

Người dân Hà Nội: “Quay về thời đại cũ à, 4.0 rồi, làm cái gì cho nó công nghệ lên chứ loa phường réo cả ngày thế đau hết cả đầu.” 

Người dân Hà Nội: “Tuy nó ồn nhiều khi có thông tin cần truyền đạt qua loa phường để mọi người cùng biết.” 

Người dân Hà Nội: “Vẫn nên duy trì loa phường bây giờ cái gì hữu ích thì mình phát không thì cắt bớt đi.” 

Trước nhiều thông tin trái chiều của người dân về việc khôi phục hoạt động của loa phường, sáng 27/7, tại buổi họp thông tin về Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 của Hà Nội, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết: Hà Nội chưa bao giờ "khai tử" hệ thống loa phường mà chỉ điều chỉnh cách vận hành, nội dung thông tin để loa phường thực sự đưa thông tin thiết yếu đến với người dân. Do đó, thông tin thành phố khôi phục lại hệ thống loa phường là chưa chính xác. 

Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có 579 đài truyền thanh của xã, phường, thị trấn đang hoạt động. Loa phường đã và đang có vai trò thông tin tuyên truyền then chốt trong hệ thống thông tin cơ sở. Qua các giai đoạn khác nhau, loa phường đã phục vụ công tác tuyên truyền rất hiệu quả. Đặc biệt, trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19, với yêu cầu cấp bách về truy vết, khoanh vùng, dập dịch đòi hỏi thông tin phải nhanh chóng, kịp thời, thường xuyên, liên tục.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, có lúc, có nơi, người dân còn chưa hài lòng với loa truyền thanh phường do nội dung chưa phong phú, chất lượng phát thanh chưa cao, bố trí khung thời gian, chương trình chưa hợp lý, gây ra nhiều bức xúc cho người dân. 

Đã có nhiều ý kiến đồng thuận song cũng không ít ý kiến phản biện của người dân về việc phát triển đồng loạt loa phường trong thời gian tới. Nhưng sau buổi họp báo của Sở TT&TT Hà Nội về vấn đề hiện đại hóa hệ thống loa xã/phường hôm qua, có thể khẳng định hệ thống sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới. Điều quan trọng là tổ chức vận hành mạng lưới này như thế nào cho hợp lý, hiệu quả nhất.

Ông ĐỒNG MẠNH HÙNG, Trưởng ban Thư ký – Biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam: “Với hệ thống truyền thanh không dây đòi hỏi người cán bộ truyền thanh thì không đòi hỏi công sức quá nhiều nhưng yêu cầu về trí tuệ, năng lực để vận hành được hạ tầng số, đồng thời đòi hỏi được trang thiết bị máy móc hiện đại. Để vận hành được theo tôi cần phải có đào tạo, tập huấn cán bộ truyền thanh cơ sở, không chỉ giỏi về nội dung mà còn về mặt kỹ thuật nữa, khi chúng ta tích hợp được cả nội dung, kỹ thuật trong cán bộ truyền thanh cơ sở thì chắc chắn sẽ vận hành rất tốt.”

Xã hội ngày càng phát triển, các phương tiện truyền thông cũ kỹ bắt đầu biến mất dần. Và loa phường tưởng như đã trở thành một phần của lịch sử. Nhưng nó vẫn tồn tại lay lắt. Thậm chí có lúc rất hữu ích như những lúc cần cảnh báo thiên tai, hay trong giai đoạn cả nước cùng chống chọi với dịch bệnh Covid-19. Nhưng, qua thời điểm khủng hoảng, nó lại bị lãng quên. Cho nên khi có thông tin loa phường sẽ xuất hiện trở lại từng tổ dân phố, dù với diện mạo hiện đại hơn, nhiều quan điểm bày tỏ không đồng thuận hoặc lo ngại đã được nêu ra. Ý kiến của Ông ĐỒNG MẠNH HÙNG, Trưởng ban Thư ký - Biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam mới chỉ đề cập đội ngũ nhân lực đảm bảo khai thác, vận hành hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Còn với đa số người dân, họ sẽ chỉ quan tâm xem loa phường có lắp gần nhà mình hay không? Phát thanh với tần suất như thế nào, thời lượng ra sao, thông tin có thực sự hữu ích, thiết thực hay không…Vì vậy, nếu như hệ thống loa phường tại Hà Nội sẽ tiếp tục được duy trì với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, người dân rất cần được thông tin đầy đủ, chi tiết về tình hình hoạt động, kế hoạch tổ chức sắp tới đối với hệ thống loa phường/xã tại Hà Nội, nên chăng tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi để sự hiện diện của loa phường thật sự “hiệu quả, thân thiện, gần gũi, hữu ích” với người dân chứ không gây phiền phức cho cuộc sống.