Góc nhìn hôm nay 07/04: Hậu quả từ sự lãng phí những công trình thuỷ lợi

Hệ thống các công trình thuỷ lợi đóng vai trò quan trọng trong Phòng chống lụt bão, an toàn hồ chứa, cung cấp nước cho đồng ruộng, sinh hoạt công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong những năm qua, hệ thống hạ tầng thủy lợi được Nhà nước quan tâm đầu tư, đáp ứng yêu cầu, bảo đảm an ninh nguồn nước.

 Dự án thủy lợi Suối Đá tại xã Quảng Hòa (H.Đắk Glong) được cho là công trình nhiều tai tiếng bậc nhất tỉnh Đắk Nông. Ngân sách đầu tư cho dự án này lên đến 90 tỉ đồng, được xếp vào nhóm cấp bách và yêu cầu thực hiện từ 2016 - 2020. Dự kiến cung cấp nước tưới trên 1.000 ha cây trồng và tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt ổn định về sau cho hơn 1.750 hộ dân trong khu vực. Tuy nhiên cho đến nay, sau nhiều lần gia hạn, công trình vẫn còn ngổn ngang.

Cũng tại tỉnh Đắk Nông, Dự án nâng cấp công trình thủy lợi phòng, chống hạn trên địa bàn xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô có tổng mức đầu tư gần 200 tỉ, dự kiến hoàn thành ngày 31/12/2020, nhưng không hoàn thành được phải xin gia hạn. Quá trình thực hiện, công trình này đang khiến cho hơn 100 ha diện tích trồng lúa của bà con bị thiếu nước.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, hàng trăm hecta lúa và đất nông nghiệp tại thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang, “khát” nước đã nhiều năm nay, trong khi ngay bên cạnh, công trình tưới tiêu kênh mương nội đồng thi công 5 năm vẫn chưa hoàn thành. Dự án có tổng kinh phí gần 32,7 tỷ đồng, theo kế hoạch ban đầu dự án sẽ hoàn thành vào năm 2020 nhưng đến nay đến nay công trình đang chậm tiến độ. 

Tại tỉnh Nghệ An, đập thủy lợi Khe Ngang xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương được xây dựng với kinh phí 14 tỉ đồng. Cuối năm 2012, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng với mục đích phục vụ hàng chục ha lúa ở xã Thanh Lâm. Tuy nhiên, ngay trong năm đầu tiên khi đưa vào sử dụng, lá chắn và xả nước của hệ thống van đập bị hỏng khiến việc tích và xả nước không thực hiện được. Sau đó, con đập này dần bị lãng quên, xuống cấp nghiêm trọng. Điều đáng nói khi chưa có đập, nước từ lòng núi chảy ra vẫn đảm bảo việc tưới tiêu cho một diện tích lúa nhất định. Nhưng từ khi có đập, mương dẫn nước ra đồng từ con suối này bị chặn lại, nguồn nước tưới tiêu càng thêm khó khăn hơn.

 Còn tại xã Ia Mơr, huyện Chư Prông tỉnh Gia lai,  công trình Thuỷ lợi Ia Mơr là một đại công trình thuỷ nông, với tổng mức đầu tư 3.000 tỉ đồng, được kỳ vọng phục vụ tưới cho khoảng 18.000 ha đất sản xuất dọc một số huyện biên giới tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk. Tuy nhiên, từ 2005 tới nay, dự án mới hoàn thành hồ chứa và một số kênh chính. Hệ thống kênh nội đồng còn dang dở, vùng tưới vẫn chưa rõ ràng do vướng quy hoạch đất rừng nên chưa thể phát huy hiệu quả. Do vậy, hàng nghìn hộ dân sống ngay dưới chân con đập ngàn tỉ này vẫn ngửa mặt trông trời để giải khát cho ruộng đồng khô khát.

Vấn đề xử lý những công trình gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước một lần nữa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi cho ý kiến xem xét báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề “Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãng phí dẫn đến mất mát, thất thoát nhiều khi còn lớn hơn các vụ tham nhũng lớn. Vì vậy khi giám sát cần phải có trọng tâm, trọng điểm, chỉ ra được địa chỉ và quy trách nhiệm rõ ràng.     

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: Chẳng hạn ở Gia Lai, có những công trình thủy lợi hơn 3.000 tỷ bạc làm xong từ lâu vẫn không tưới được thì trách nhiệm của ai? Đấy là lãng phí nhiều hay ít? Nguyên nhân là dưới hạ lưu là đất rừng. Không biết lúc khảo sát làm thế nào?”

Các dự án chậm hoàn thành, có dự án dậm chân tại chỗ đồng nghĩa với việc công trình thủy lợi có số vốn hàng trăm tỷ đồng đang “đắp chiếu”, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Và trong khi các công trình này bị bỏ không thì người dân nhiều nơi vẫn thiếu nước tưới cho cây trồng mỗi khi mùa khô đến. Sự lãng phí này khiến chúng ta phải giật mình vì “Lãng phí đến vô cảm, đến không thể tin được”. Đã đến lúc cần có biện pháp “cảnh tỉnh, răn đe, từ đó tạo hiệu ứng xã hội”. 

Cùng nghe  ĐBQH tỉnh Đồng Tháp PHẠM VĂN HOÀ bình luận gì về sự lãng phí này.