Giảm khó khăn cho địa phương nhận cân đối từ ngân sách trung ương

Thảo luận tại hội trường sáng 2/11, các đại biểu nhất trí với báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 như báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội. Trong đó, có nội dung Chính phủ điều chỉnh 2% số chi bổ sung cân đối cho các địa phương so với dự toán năm 2023, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho các địa phương.

Về dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024, Chính phủ đề xuất điều chỉnh 2% số chi bổ sung cân đối cho các địa phương so với dự toán năm 2023. Bày tỏ sự đồng thuận, các đại biểu cho rằng, đây là khoản chi hết sức cần thiết cho các tỉnh chưa cân đối được ngân sách, nhất là các tỉnh nghèo để đảm bảo các nguồn chi cho chính sách được pháp luật quy định gắn liền với việc điều chỉnh ở mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng.

Đồng tình với đề xuất, đại biểu Đỗ Thị Lan cho biết, qua rà soát tại địa phương cho thấy có tình trạng luật quy định nhiệm vụ thực hiện, nhưng do Ngân sách trung ương không tăng chi thường xuyên nên địa phương không có nguồn lực để thực hiện. Bên cạnh đó có những quyết định phải đảm bảo đầu tư hạ tầng sau khi Luật có hiệu lực, nhưng do chưa có dự án trong danh mục kế hoạch đầu tư không nên không được giải quyết.

Đại biểu cũng đề nghị cần khảo sát thực tế tại các địa phương về yêu cầu nhiệm vụ chi cho các chính sách mới theo quy định để có giải pháp phù hợp với từng địa phương, nhất là những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát hoàn thiện hệ thống chính sách thu chi ngân sách, cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo nghị quyết 23 Quốc hội khóa 15, phát huy vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước và bảo đảm kỷ cương tài chính ngân sách.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam