Đưa nguồn vốn hướng đến khu vực có năng lực cạnh tranh của nền kinh tế

Ngày 7/1, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 3, thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Cần Thơ.

Một số đại biểu cho rằng việc tiếp tục miễn giảm thuế, phí 64.000 tỷ năm là phù hợp, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái hoạt động, giải quyết việc làm cho lao động, kích thích nhu cầu phát triển sản xuất là cần thiết, để ổn định cho các doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần có qui định cụ thể đối tượng áp dụng là doanh nghiệp nào?

Ông Phạm Văn Hoà - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp FDI? đề nghị chính sách giảm thuế, phí cần tập trung cho các doanh nhỏ và vừa , doanh nghiệp có nhiều lao động, các doanh nghiệp có sức lan toả rộng, hợp tác xã…

Một đại biểu cũng cho rằng chính sách hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, cần rà soát, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tránh cào bằng, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu như nông nghiệp, vận tải… đặc biệt cần quan tâm  những doanh nghiệp lớn có sức lan tỏa đến các khu vực khác trong nền kinh tế.

Ông Nguyễn Như So - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh: Trong giai đoạn phục hồi, dư địa chính sách dần thu hẹp, các chính sách hỗ trợ cần chọn lọc, tập trung hơn, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn có sức lan tỏa đến các khu vực khác trong nền kinh tế; các doanh nghiệp hạt nhân của các chuỗi cung ứng, tạo điều kiện để tăng cầu lao động, hỗ trợ an sinh xã hội thông qua doanh nghiệp, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người lao động.

Ông Lã Thanh Tân - Đại biểu Quốc hội tỉnh thành phố Hải Phòng: Để làm được việc này, cần lựa chọn doanh nghiệp có sức khỏe tốt, hỗ trợ kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp bật dậy bằng năng suất, tạo ra nhiều việc làm và sản phẩm nhất, từ đó tạo giá trị đóng góp vào GDP và ổn định cuộc sống cho người lao động, như vậy chương trình hỗ trợ sẽ có cơ hội thu hồi vốn cao nhất. Đồng thời, kết quả hoạt động của các doanh nghiệp khỏe này sẽ kéo theo sự phục hồi dần của các doanh nghiệp khó khăn hơn. Các chỉ số sức khỏe này cần được Chính phủ nhanh chóng công bố và đưa ra công khai kèm theo các thủ tục xác định hỗ trợ rõ ràng, minh bạch và nhanh gọn.

Ý kiến một số đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng việc ổn định kinh tế vĩ mô như: Lạm phát, vay nợ công, thâm hụt ngân sách… Nếu lạm phát tăng cao, các doanh nghiệp phải chạy theo "vòng xoáy" vay nợ, lợi ích của chương trình sẽ bị suy giảm. Do vậy cần rà soát kỹ lưỡng các đối tượng được hỗ trợ để đảm bảo khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và khả năng trả nợ trong tương lai. Trong đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp là một trọng tâm./.