Độc đáo lễ cúng Thần sâm trên dãy Ngọc Linh

Từ cây thuốc giấu của đồng bào miền núi, đến nay, sâm Ngọc Linh đã trở thành loài cây quốc bảo của Việt Nam, mang lại ấm no cho buôn làng. Cũng vì vậy, nhiều gia đình đã bắt đầu thờ cúng Thần Sâm, sau này trở thành nghi thức cúng chính thức của bản làng người dân tộc Xê Đăng, huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Cuối tháng 7 hằng năm, tại Đền thờ Thần sâm Ngọc Linh nằm ở độ cao 1.500m ở nóc Kon Pin, thôn 2 xã Trà Linh,  huyện Nam Trà My, đồng bào Xê Đăng sẽ thực hiện hàng loạt nghi lễ truyền thống đối vị thần Sâm mà họ rất tôn sùng.”

Ông HỒ VĂN THỂ, Chủ tịch UBND xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam: “Nét đẹp truyền thống của bà con dân tộc Xê Đăng tại xã Trà Linh, các năm qua bà con tổ chức cúng sâm tạ ơn thần núi thần rừng, thần sâm, được bộ thu bà con hằng năm tổ chức cúng sâm vào tháng 7, tuy nhiên trước đây cúng theo hộ gia đình, cá nhân, hiện nay có đền thờ sâm bà con tập trung cũng một chỗ để gắn kết, đoàn kết phát triển kinh tế xã hội.”

Gà luộc, rượu cần, cau trầu cùng một cây sâm đẹp nhất làm lễ vật; những điệu múa truyền thống của các cô gái Xê Đăng trên nền tiếng chiêng, điệu trống là lời mời gọi đất trời, rừng núi về đây tụ họp, chứng kiến thành quả lao động của đồng bào vùng cao. Sau đó, đoàn người sẽ làm lễ rước Thần Sâm ngang qua các buôn làng về với Trung tâm huyện.

Già làng HỒ VĂN VIÊM, Thôn 3, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam: "Tất cả mọi người nhận thức được cây sâm, nên bà con được nhờ vào cây sâm để xoá đói giảm nghèo, ngày càng phát triển, đổi mới.”

Toàn huyện Nam Trà My đang trồng trên 2500 héc-ta sâm Ngọc Linh tại 7/10 xã, mỗi năm thu về cho người dân nhiều tỉ đồng. Chính vì vậy, lễ cúng Thần sâm trở thành một nét tín ngưỡng không thể thiếu, thể hiện lòng biết ơn của đồng bào đối với đất trời, núi rừng, đã ban cho sức khoẻ để lên núi trồng sâm, cho ruộng đồng tươi tốt, heo gà phát triển, đời sống ấm no.

Mỹ Phượng