Điều chỉnh giá bán lẻ điện 3 tháng/lần: Khó khả thi

Nhằm đưa việc điều hành giá điện sát hơn với diễn biến thị trường tương tự như việc điều hành xăng dầu, Bộ Công Thương đang đề xuất Chính phủ sửa đổi thời gian xem xét điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu từ 6 tháng hiện nay xuống còn 3 tháng. Đề xuất này đã có từ năm 2011 nhưng sau được rút lại. Vậy thời điểm này đề xuất giảm thời gian xem xét điều chỉnh giá bán lẻ điện có khả thi?

Những tháng cuối năm 2022, câu chuyện thiếu xăng trầm trọng đã dẫn đến việc Bộ Công Thương đề nghị rút ngắn kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu từ 10 ngày xuống còn 7 ngày nhằm đưa việc điều chỉnh giá theo sát biến động thị trường đầu vào hơn.

Tương tự như xăng dầu, sau sự việc thiếu điện, cắt điện luân phiên trong đỉnh điểm nắng nóng cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, việc Bộ Công Thương đề xuất thời kỳ xem xét điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 6 xuống 3 tháng cũng mang hàm ý đưa giá điện sát thị trường.

Ở một góc nhìn khác, thị trường điện phát triển thấp hơn thị trường xăng dầu nên việc điều hành giá điện như với giá xăng dầu lúc này là chưa hợp lý.

Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện hành đã cho phép EVN được chủ động điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân mỗi 6 tháng nếu giá thành sản xuất điện tăng từ 3-5%. Tuy nhiên, kể từ khi cơ chế này ra đời năm 2017, EVN hầu như không thực hiện quyền chủ động này.

Việc tăng giá điện thời gian qua đều được EVN đề xuất lên Bộ Công Thương, sau đó Bộ Công Thương đề xuất lên Chính phủ xem xét quyết định. Có nghĩa, việc điều chỉnh giá điện đều được quyết định ở cấp Chính phủ. Nếu tiếp tục như vậy, việc rút ngắn thời gian xem xét điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là không thực sự cần thiết và khả thi. Bởi ngay trong cơ chế hiện hành, nếu EVN dám chịu trách nhiệm thì việc điều chỉnh giá điện mỗi 6 tháng cũng đã là hợp lý.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Xuân Tiến -

Công Kiên