Diễn đàn KT-XH 2023: Kiến tạo động lực để kinh tế Việt Nam vượt "cơn gió ngược"

Sáng 19/9, Diễn đàn kinh tế - xã hội năm 2023, diễn đàn đa chiều được mong đợi thường niên của giới chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách đã khai mạc tại Hà Nội. Diễn đàn năm nay có chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tham dự và đồng chủ trì diễn đàn có các ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ và ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Diễn đàn còn có đại diện các Bộ, ngành, trung ương, địa phương, các đại sứ, các chuyên gia trong nước và quốc tế. Ngoài 450 đại biểu tham dự trực tiếp, Diễn đàn được kết nối trực tuyến đến 6 điểm cầu tại các Học viện, trường đại học trong nước, với sự theo dõi của khoảng 500 giảng viên, học viên, sinh viên với 900 nghìn lượt theo dõi và tương tác trên các nền tảng số.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam là sự kiện thường niên hằng năm của Quốc hội để quy tụ và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, Nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp trong và ngoài nước để cung cấp các thông tin hay, định hướng hữu ích, phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, điều hành, nhất là công tác hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước.

Tại diễn đàn lần này, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đất nước đang phải đối mặt như: xuất khẩu hàng hoá suy giảm; vốn đăng ký FDI giảm; đầu tư công chưa đạt kỳ vọng; tiêu dùng chững; công nghiệp chế biến chế tạo suy giảm; các tập đoàn kinh tế đầu tàu trong nước chưa có nhiều …Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là những vấn đề vừa cơ bản, dài hạn, vừa mang tính thời sự, cấp bách, đòi hỏi phải có giải pháp ứng phó ngay trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài. Trong đó, Chủ tịch nhấn mạnh vào giải pháp "tăng cường nội lực".

Với tinh thần “đồng lòng, chung sức, cùng nhau vượt khó”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu, chuyên gia thảo luận tập trung giải đáp 3 câu hỏi lớn của nền kinh tế.

Trong phát biểu đề dẫn tại phiên khai mạc, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cũng nhấn mạnh, bối cảnh hiện tại đòi hỏi cần có giải pháp đột phá khôi phục các động lực tăng trưởng quan trọng; giúp kinh tế “lội ngược dòng” thành công.

Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ, ngắn hạn, tư tưởng cục bộ, chủ nghĩa địa phương, quyết tâm đổi mới và xây dựng các thể chế liên kết vùng thật sự hiệu lực, hiệu quả, theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị trên nguyên tắc “cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng” để Việt Nam vững vàng vượt qua “các cơn gió ngược”, biến nguy thành cơ, tận dụng được các xu hướng lớn để hoán chuyển các nguồn lực tiềm năng thành các động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam