Điểm tin quốc tế sáng 01/4: Nga ra sắc lệnh thanh toán tiền khí đốt bằng đồng Ruble

Nga ra sắc lệnh thanh toán tiền khí đốt bằng đồng Ruble; Australia rút lại quy chế tối huệ quốc với Nga và Belarus; WHO công bố kịch bản dịch Covid-19 có khả năng xảy ra nhất; Meta chi mạnh tiền nhằm giảm sức hút của Tiktok; Các nhà du hành Nga và Mỹ cùng trở về trái đất... là những tin tức quốc tế đáng chú ý sáng ngày 01/4/2022.

Nga ra sắc lệnh thanh toán tiền khí đốt bằng đồng ruble

Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo đã ký sắc lệnh yêu cầu bên mua nước ngoài phải thanh toán bằng đồng ruble để mua khí đốt của Nga từ ngày 1/4 tới và các hợp đồng sẽ bị tạm đình chỉ nếu các khoản thanh toán này không được thực hiện.

Trong tuyên bố của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ nếu các khoản thanh toán tiền khí đốt không được thực hiện bằng đồng ruble, Nga sẽ coi đây là lỗi từ phía người mua và sẽ chịu hậu quả. 

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN: "Chúng tôi đang cung cấp cho các nhà thầu từ những quốc gia đó một kế hoạch rõ ràng và minh bạch. Để mua khí đốt tự nhiên của Nga, bên mua phải mở tài khoản bằng đồng ruble trong các ngân hàng của Nga. Từ các tài khoản này, các khoản thanh toán sẽ được thực hiện để mua khí đốt bắt đầu từ ngày 1/4". 

Trong phản ứng của mình, Đức và Pháp đã bác bỏ yêu cầu của Nga, cho rằng các quốc gia châu Âu phải trả tiền cho khí đốt bằng đồng ruble là hành vi vi phạm hợp đồng.

Ông ROBERT HABECK, Bộ trưởng Kinh tế Đức: “Đức đã chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra, cho bất kỳ quyết định nào mà Tổng thống Putin đưa ra, bao gồm cả việc ngừng dòng vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu.”

Ông BRUNO LE MAIRE, Bộ trưởng Tài chính Pháp: “Tôi có thể xác nhận rằng các hợp đồng của EU phải được thanh toán bằng euro, và chúng sẽ được trả bằng đồng euro. Hợp đồng là hợp đồng, và đó không phải là điều mới. Điều đó thể hiện sự vững chắc của các thành viên EU.”

Trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ năm 1991, ngày 23/3 vừa qua, Tổng thống Putin đã đáp trả lại phương Tây bằng yêu cầu thanh toán khí đốt của nước này bằng đồng ruble. Ngân hàng Trung ương Nga, chính phủ và tập đoàn khí đốt Gazprom có thời gian một tuần để sửa đổi các hợp đồng hiện có. Nguồn cung cấp sẽ bị phong tỏa nếu những nước này cố gắng thanh toán bằng ngoại tệ.

Australia rút lại quy chế tối huệ quốc với Nga và Belarus

Trong một động thái nhằm gia tăng trừng phạt để phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, Australia cho biết nước này sẽ bãi bỏ quy chế tối huệ quốc đang áp dụng đối với Nga và Belarus.

Trong thông báo mới nhất, Chính quyền Australia cho biết, nước này sẽ ra thông báo chính thức trong ngày 1/4 về việc rút lại quyền được hưởng quy chế tối huệ quốc đang áp dụng đối với hàng hóa của Nga và Belarus. Quyết định mới sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 25/4 tới và cũng từ thời điểm này Australia sẽ áp mức thuế 35% đối với tất cả các loại hàng hóa nhập khẩu từ Nga và Belarus. 

Chính quyền Australia tuyên bố ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và tiếp tục kêu gọi Nga ngừng chiến dịch quân sự tại Ukraine. Bên cạnh đó, Australia cũng sẽ tiếp tục hợp tác cùng với các đồng minh và đối tác ban hành các biện pháp trừng phạt bổ sung khi Nga chưa ngừng chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

WHO công bố kịch bản dịch covid-19 có khả năng xảy ra nhất

Chuyển sang thông tin khác. Tổ chức Y tế thế giới vừa công bố các kịch bản của đại dịch COVID-19, trong đó kịch bản nhiều khả năng nhất là mức độ bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra sẽ giảm dần theo thời gian.

Thế giới đã trải qua hơn 2 năm chống chọi với đại dịch và các quốc gia dường như đã sẵn sàng mở cửa lại đất nước, cũng như thực hiện các kế hoạch phục hồi quốc gia tham vọng. Theo kịch bản khả thi nhất mà WHO đưa ra, mức độ nghiêm trọng của dịch sẽ giảm dần theo thời gian.

Ông TEDROS ADHANOM GHEBREYESUS, Tổng giám đốc WHO: "Dựa trên những gì mà chúng tôi đánh giá, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là virus SARS-CoV-2 tiếp tục tiến hóa, nhưng mức độ nghiêm trọng của dịch sẽ giảm xuống theo thời gian, khi khả năng miễn dịch tăng lên qua vaccine và lây nhiễm. Tuy nhiên, những đợt gia tăng số ca nhiễm và tử vong sẽ xảy ra theo giai đoạn, khi miễn dịch suy giảm”.

Ngoài ra, hai kịch bản còn lại là các biến thể ít nguy hiểm hơn sẽ xuất hiện, và khi đó các mũi vaccine tăng cường hoặc công thức vaccine mới có thể sẽ không cần thiết, hoặc một biến chủng mới sẽ xuất hiện và sẽ khiến khả năng chống lây nhiễm của vaccine giảm xuống nhanh chóng. Đây là bản cập nhật thứ ba của Kế hoạch chuẩn bị, sẵn sàng và ứng phó chiến lược được WHO công bố. Đây cũng có thể sẽ là bản cập nhật cuối cùng.

Meta chi mạnh tiền nhằm giảm sức hút của Tiktok

Meta – công ty sở hữu mạng xã hội Facebook- đã thuê công ty tư vấn Targeted Victory để thực hiện chiến dịch nhằm giảm "độ nóng" của đối thủ TikTok.

Theo đó, chiến dịch này bao gồm việc gửi thư đến các hãng tin lớn của Mỹ và thúc đẩy việc đăng tải các nội dung đánh giá về các hạn chế của TikTok. Một trong những hoạt động này bao gồm khuyến khích các bậc phụ huynh ký vào thư ngỏ bày tỏ quan ngại về những nội dung chưa phù hợp đăng phát trên ứng dụng này và gửi đến các báo Mỹ. Trong khi đó, công ty tư vấn Targeted Victory xác nhận hợp tác với Meta và không phủ nhận việc cung cấp thông tin tiêu cực về TikTok. Chiến dịch của Meta được công bố trong bối cảnh hãng này đang phải cạnh tranh gay gắt với TikTok, sau khi giá trị của Meta bị giảm hàng trăm tỷ USD do các nhà đầu tư hoài nghi về tương lai của doanh nghiệp.

Các nhà du hành Nga và Mỹ cùng trở về trái đất

Hai nhà du hành Nga và 1 nhà du hành Mỹ đã cùng trở về Trái đất từ Trạm vũ trụ quốc tế bằng tàu vũ trụ Soyuz của Nga.

Ông Mark Vande Hei, người Mỹ, cùng nhà du hành Nga Dubrov đã cùng tới ISS vào ngày 9/4/2021, cũng trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga. Họ đã cùng nhau hoàn thành 5.680 vòng quỹ đạo, bay hơn 240 triệu km quanh Trái đất. Còn nhà du hành Shkaplerov đặt chân lên trạm vũ trụ vào tháng 10/2021. Chuyến bay trở về Trái đất lần này của các phi hành gia thu hút nhiều sự chú ý hơn do căng thẳng giữa Mỹ và Nga liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, Cơ quan hàng không vũ trụ Nga Roscosmos khẳng định, luôn bảo đảm độ tin cậy của mình trong chương trình hợp tác vũ trụ với các đối tác.

Ngọc Anh